Tôi nhận được thư này từ Kim Chi bạn thân của gia đình và trả lời ngay.Nhận thấy đó cũng là tâm trạng của lũ anh em chúng tôi,nên post luôn lên đây
*Anh Bình kính mến, anh tư vấn cho em bài viết này đưa lên trang web GD em liệu có sao ( ảnh hưởng CT) không nhé? Vì lần đầu tiên lập trang web nên phải nhờ Đại Ca chi dẫn cho "mấy đường cơ bản"- trang web GD em:
www.nguyennang.org, khi nào rỗi anh ghé chơi và lại chỉ dẫn cho "Đệ" thêm vài đường võ nữa...em Chi, anh trả lời ngay đấy nhé
*Chi ơi ! Có cái gì mà không post lên mạng?Anh đọc liền một hơi,cảm động !Cho phép anh post lên blog của anh nhé ?Và gửi em đường link để nghe bài hát Cuộc sống ơi !do chính danh ca Mark Beznes Liên Xô hát vào thời của chúng ta.Nhìn góc bên phải,em sẽ thấy một loạt các bài hát Nga tủ của em nữa đấy,như Kachiusa,chảy đi Volga …Và anh chép cho em bài hát Cuộc sống bằng tiếng Nga.Anh tin là máy em có cài windows Sp 3 nên đọc được.thân mến
http://www.youtube.com/watch?v=nsj7BB2nNzo
Я люблю тебя, жизнь,Что само по себе и не ново,Я люблю тебя, жизнь,Я люблю тебя снова и снова.
Вот уж окна зажглись,Я шагаю с работы устало,Я люблю тебя, жизнь,И хочу чтобы лучше ты стала.
Мне немало дано -Ширь земли и равнина морская,Мне известна давноБескорыстная дружба мужская.
В звоне каждого дня,Как я счастлив, что нет мне покоя,Есть любовь у меня,Жизнь, ты знаешь, что это такое,Есть любовь у меня,Жизнь, ты знаешь, что это такое.
Как поют соловьи,Полумрак, поцелуй на рассвете,И вершина любви -Это чудо великое - дети.
Вновь мы с ними пройдем,Детство, юность, вокзалы, причалы,Будут внуки потом,Всё опять повторится сначала.
Ах, как годы летят,Мы грустим, седину замечая,Жизнь, ты помнишь солдат,Что погибли тебя защищая?
Так ликуй и вершисьВ трубных звуках весеннего гимна,Я люблю тебя, жизнь,И надеюсь, что это взаимно.
Mark Beznes
http://www.youtube.com/watch?v=nsj7BB2nNzo
“Giấy thông hành” vào đời…
Năm 1969, tôi tốt nghiệp lớp 10/10 phổ thông với “hành trang” học tập khá giỏi ở tất cả các bộ môn- đặc biệt là môn Nga Văn (giành được giải cao thi học sinh giỏi Nga văn của Thành phố). Con đường bước vào đời tưởng chừng như rộng mở ở phía trước đối với tôi- một cô gái mới lớn với biết bao mơ ước, hoài bão tốt đẹp …
Theo nguyện vọng và kết quả học tập của tôi, nhà trường đã đề nghị Ban tuyển sinh TP Hải Phòng sắp xếp cho tôi được theo học ở trường Đại học Ngoại ngữ ( năm đó chưa có chế độ thi Đại học như những năm sau này). Tôi khấp khởi chờ đợi… cho đến khi các bạn học đã vào hết các trường chuyên nghiệp mà mình vẫn chưa thấy có giấy báo nhập học. Bạn bè khuyên tôi đến Ban Tuyển sinh Thành phố hỏi xem sao.
Khi tôi tới Ban Tuyển sinh, người ta chỉ cho tôi gặp một ông đeo cặp kính trễ xuống tận mũi, ngồi sau một chiếc bàn bề bộn giấy tờ. Sau khi biết mục đích tôi đến, ông ta nhìn tôi bằng con mắt đầy ác cảm và soi mói… như nhìn một tên tội phạm (lúc đó tôi rất hoang mang, không biết mình đã phạm tội gì?). Cái nhìn đó đã nói lên tất cả: Vậy là chấm hết giấc mơ vào Đại học…chỉ vì lý lịch của gia đình tôi chưa được xác minh rõ ràng … Tôi vội vã bỏ ra về mà gần như không nghe thấy những gì ông ta nói... cũng có thể do tôi là người quá nhạy cảm chăng?
Buổi chiều hôm đó tôi không ăn nổi cơm, bởi mỗi lần nhớ tới ánh mắt soi mói giễu cợt của ông ta, tôi lại thấy lợm giọng và chua chát. Rất nhiều năm sau này, ánh mắt “in hình…tội phạm” của ông ta vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của tôi…
Vài tháng sau, anh Văn giới thiệu tôi làm Cộng tác viên ca nhạc ở Đài Phát thanh Hải phòng. Tháng 1/1970, tôi được tuyển vào làm phát thanh viên của Đài và được mọi người khen ngợi tôi có giọng nói “ăn Đài”. Có người còn nhận xét giọng đọc của tôi giống giọng một phát thanh viên nổi tiếng ở Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên đọc ở buổi phát thanh ra nước ngoài. Công việc đang tiến triển rất tốt đẹp thì một hôm tôi được gọi lên gặp ông Trưởng phòng Tổ chức của Đài.
Đó là ngày 31/7/1970- cái ngày hằn sâu trong trí nhớ của tôi cho tới tận giờ…Trước tiên người ta ghi nhận tôi đã làm việc rất tốt, rất có triển vọng vv, sau đó thì họ thông báo quyết định cho tôi thôi việc, vẫn vì lý do: lý lịch chưa được xác minh rõ ràng… ( mà xác minh là công việc của họ chứ đâu phải của tôi?). Ông Ngư- lúc bấy giờ làm về Tổ chức của Đài nói thêm: … Các chú rất muốn giữ cháu ở lại làm việc mà không được…
Một lần nữa bị choáng váng… và chẳng thốt lên được lời nào, tôi vừa đi gần như chạy ra khỏi Đài vừa giận chính mình vì không kìm nổi những giọt nước mắt cứ trào ra trước mặt mấy ông Tổ chức. Từ trên đỉnh cao của hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, muốn cống hiến chút năng lực nhỏ bé của mình cho Đất nước, tôi rơi thẳng xuống vực sâu của sự thật phũ phàng, nghiệt ngã.
Hai nhát dao đâm vào tôi khi tôi mới chập chững bước vào đời!- Trong Nhật ký của mình, tôi ghi lại chuyện này như vậy. Trước kia, tôi còn mơ mộng tới những điều cao xa, mong muốn được vào học Đại học, còn bây giờ? Tôi chỉ có một mong muốn hết sức khiêm nhường là có một công việc bình thường như bao người dân bình thường khác- chỉ làm Phát thanh viên thôi- mà cũng không được chấp nhận. Mong muốn được làm người có ích cho xã hội của tôi đã bị vùi dập phũ phàng! Tôi có tội gì? tôi không còn chốn dung thân trong xã hội này sao?
Vừa đi từ Đài ra ngoài phố, tôi vừa miên man suy nghĩ…Trong đầu tôi loé lên một ý nghĩ: giá như được chết lúc này? Sống mà không được chấp nhận làm việc thì phỏng có ích gì? Một chiếc xe ô tô đi ngược chiều về phía tôi, tôi cũng chẳng buồn né tránh…
Chiều hôm đó tôi không có gan trở về nhà vì sợ mẹ biết chuyện sẽ buồn, mặc dù trước sau gì mẹ cũng sẽ biết… Mẹ đã khổ nhiều rồi. Tôi đến nhà Thơm- cô bạn thân từ thuở nhỏ và nằm khóc thoả thích để trút bớt nỗi buồn…
Mấy tháng sau, được bạn bè mách bảo, tôi lại lên Hà nội thử vận may lần nữa: thi vào trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Hoạ TW ở tận Hà Đông. Lần đó tôi thi đạt điểm cao nhất trường. Đích thân thày Đắc, hiệu phó của Trường về tận Hải Phòng để giải quyết trường hợp của tôi. Thày còn đến tận nhà tôi để báo tin mừng: “Ban Tuyển sinh Thành phố đã đồng ý rồi, họ nói tuần sau sẽ gửi giấy nhập học cho em. Em yên tâm, họ đã hứa với thày như vậy”- Thày trấn an tôi…
Tôi lại khấp khởi chờ đợi… một tuần, hai tuần, rồi một tháng, hai tháng… đến quá thời gian nhập học mà vẫn chẳng thấy gì. Lần này tôi chả dại lên tận Ban Tuyển sinh để hỏi, sợ lại phải giáp mặt cái ông Tuyển sinh kia một lần nữa. Thế là quá đủ rồi.
Tôi rất cảm kích trước tấm lòng và tinh thần làm việc của các thày cô ở trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Hoạ TW hồi đó mặc dù chưa được học ở đó một buổi nào. Các thầy mới thực sự là những người hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục với tấm lòng cao cả, trong sáng, vô tư. Bây giờ chắc chả ai dại gì mà làm cái công việc “Vác tù và hàng tổng” ấy: đi đến tận một nơi xa xôi để giúp đỡ cho một học sinh mà mình không hề quen biết nhập học, chỉ vì học sinh đó có năng lực thực sự.
Thực ra vì tôi bé nhất nhà nên không bị ảnh hưởng lý lịch nặng nề bằng các anh của tôi, như anh Văn chẳng hạn, bị “hành lên hành xuống”, đã được vào trường Đại học học mấy tháng rồi còn bị đuổi thẳng cẳng, về nhà cũng chẳng xin được việc gì, phải trôi dạt ra tận mỏ than Hà Lầm- Quảng Ninh làm thợ lò…, chứ mình đã thấm vào đâu? Cái Chủ nghĩa “lý lịch” hồi đó đã kìm hãm, vùi dập cả một thế hệ của rất nhiều gia đình, khiến họ “không thể ngóc đầu lên được” một thời gian dài, trong đó có biết bao người tài giỏi (sau này có nhiều tác phẩm văn học đã đề cập đến thời kỳ trên).
Vậy mà kỳ lạ thay, trong số những người bị “hãm” gần như không còn đường lùi ấy có nhiều người đã “bật” được lên - như những chàng Mai An Tiêm bị vua cha đầy ải ra tận đảo hoang để không thể sinh tồn được, vậy mà họ vẫn tìm được nguồn sống, vẫn vươn lên bằng chính nghị lực và trí tuệ của mình… Trong số đó có các con nhà cụ Mai Lĩnh, anh em nhà anh Bảo- chồng tôi, hoặc các bạn thân của tôi như Khôi, Kháng, Dương, Ngân…. Có thể nói họ là những nhân chứng sống về sự vượt lên số phận và thành đạt. Ngay cả anh em chúng tôi, mặc dù ngờ nghệch, cả tin, nhưng cuối cùng cũng đều kiên trì phấn đấu- từ học hành đến sự nghiệp- đều phải “đi theo đường vòng”...Sau này tuy không ai quyền cao chức trọng trong xã hội, nhưng cũng không đến nỗi phải hổ thẹn với đời, và quan trọng hơn là vẫn giữ được tấm lòng ngay thẳng, thanh bạch…
Một điều khá thú vị là sau này “duyên nghiệp” lại run rủi tôi một lần nữa làm đúng cái nghề đầu tiên tôi được chọn vào làm ở Đài được 7 tháng- nghề Báo Chí. Nhiều khi đi họp báo cứ “chạm trán” liên tục với mấy “bác” Lãnh đạo của Nhà Đài. Đúng là trăm đường không tránh khỏi “số”! Thế mới hay: tư chất, bản sắc riêng và truyền thống gia đình … là cái gì đó luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, “bất khả xâm phạm”, không dễ gì khuất phục được.
Trở lại thời gian trước đây, đã có lúc tôi nghĩ đến việc phải ra tận vùng Mỏ để làm lao động ở chỗ Cường, anh Văn… Cũng may là nhờ có giọng hát hay và khá nổi tiếng nên khoảng hơn một năm sau đó (tháng 1/1972), tôi được nhận vào làm thợ Điện ( theo dạng kèm cặp) tại nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng. Sau đó ba năm- là thời gian đủ điều kiện để được xin thi Đại học Tại chức, tôi thi vào trường Đại học Giao thông Đường Thuỷ (sau này là trường Đại học Hàng Hải) và đạt điểm cao thứ ba của khoá học năm đó (1975).
Những năm đầu không có xe đạp đi làm và đi học, tôi phải đi bộ mất khoảng 7,8 cây số mới đến nhà máy, còn đường tới trường thì dài hơn, phải đi bộ từ 4, 5 giờ sáng…. Mãi tới năm 78, 79, tôi mới có chiếc xe đạp khung dựng đầu tiên của “Liên Hiệp Quốc”: Kháng thì tặng bạn khung xe mang từ thành phố Đà Nằng ra (mà cứ phải rào trước đón sau mãi, chỉ sợ tôi từ chối…), còn mẹ tôi và anh Trí mang phụ tùng xe đạp từ TP Hồ Chí Minh ra cho tôi….
Tuy nhiên, đi bộ cũng có cái hay của nó. Buổi chiều đi làm về, tôi vừa lững thững trên con đường Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất… vừa thì thầm hát bằng tiếng Nga bài “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người” của Liên Xô, cảm giác như mình đang sống một cuộc sống hệt như lời của bài hát:…“Đèn rực sáng trên cửa cao/ Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về/ Ta càng thấy mến yêu Người/ Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi sáng hơn!” Vừa hát, tôi vừa tưởng tượng ra viễn cảnh Chủ nghĩa xã hội sắp tới nơi. Trong Hồi ký về Gia đình của tôi có đoạn viết:…Chính sự ngây thơ trong sáng, lạc quan, luôn hướng về phía tốt đẹp của cuộc sống … là nguồn năng lượng để chúng tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời… giống như “người phu chột” trong truyện ngắn của Vonte may mắn còn sót lại con mắt chỉ nhìn thấy những điều đẹp đẽ…Đó là những lúc thế này đây.
Thời gian này tôi thuộc đến hàng trăm bài hát Nga. Tôi say mê những giai điệu và lời ca trữ tình, đôn hậu, man mác buồn, thấm đẫm tâm hồn và tính cách Nga của những ca khúc đó…. Biết niềm say mê đó của tôi, Kháng và các bạn tôi chịu khó sưu tầm cho tôi rất nhiều bài hát Nga để tôi hát vào những buổi tối bên cạnh bạn bè. Có những bài hát rất hay và nổi tiếng, giờ tôi vẫn còn nhớ nhiều bài trong số đó… và tôi cũng được nổi tiếng lây vì đã hát rất thành công nhiều bài hát Nga tại các buổi biểu diễn của Thành phố và toàn Quốc…
Tháng 10/2008 Kim chi