Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Bà Bảy Mai Lĩnh đã mất


Cụ bà Lê Thị Nội (1916-2015) tức bà Bảy Mai Lĩnh đã mất tại nhà riêng số 292 Nguyễn Tất Thành Quận 4 vào lúc 15 giờ 5 phút ngày thứ bảy 16/05/2015 tức ngày 28 tháng Ba năm Ất Mùi hưởng thọ 100  tuổi .Cụ ra đi nhẹ nhàng,với hai con đứng  bên là vợ chồng Đỗ Thái Bình và Tô Minh Nguyệt .Hiện nay ,Cụ đã được Đỗ Thái Bình và Đỗ Bắc Giang đưa vào nhà lạnh Bệnh Viện Nguyễn Trãi và tang lễ dự định tiến hành vào ngày thứ bảy 23/05/2015 và sẽ được hỏa táng cùng ngày .Di cốt sẽ được đưa về Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi đã đặt di cốt của Cụ Ông Đỗ Như Ngọc .Để có thể theo dõi tang lễ ,chúng tôi mở trang này cho con cháu và thân quyến từ xa không về dự được có thể theo dõi và cập nhật tin tức .
Bản cáo phó đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày thứ năm 21/05/2015


Tấm thiếp của gia đình cháu nội của Cụ : Đỗ Khánh Linh cùng chồng Joseph Shu và con trai Kayden Shu từ Kitchener Canada nhờ bố là Đỗ Phú Thọ (con trai út của Cụ) đem theo ,về nước chịu tang   

Đại gia đình Dương Tiến-Thái Bình,nhà thông gia,thông qua anh Dương Thông đã gửi những lời chia buồn
Vô cùng thương tiếc Cụ bà Mai Lĩnh, mong Cụ thảnh thơi về nơi cõi Phật.
Gia đình Dương Tiến -Thái Bình xin được chia buồn cùng Đại Gia đình Mai Lĩnh !

( trong ảnh: Cụ bà Mai Lĩnh cùng Cụ bà thông gia Phú Thịnh - bà nội của Thành Đô ) kèm theo là tấm hình chụp hai Cụ


Đây là những dòng tâm sự giữa Đỗ Phú Thọ và người bạn Canada .Nghe mà ngậm ngùi .Đất nước đã chối bỏ sử dụng những người con của Cụ để sau đó trở thành những công dân gương mẫu của nước ngoài,khiến bạn bè mến phục.
I just chatted with Roy he said: "Take heart in the fact that your Mom had a good long life and that she brought some wonderful sons into this world"
Thank you so much Roy Winders


Trên FB Đỗ Hải Dương viết :
Người Mẹ

Mẹ tôi rất mừng khi chúng tôi "đi đến nơi về đến chốn". Sau 5 năm đặt chân trên mảnh đất Canada Tự Do, tôi được nhà máy tôi đang làm, một chi nhánh của tập đoàn sản xuất linh kiện xe hơi Magna International (công ty Canada và một trong những công ty sx linh kiện xe hơi lớn nhất thế giới) cử sang Kentucky, USA lắp ráp và cho chạy hai trạm robot chuyên dùng do chúng tôi chế tạo cho công nghiệp xe hơi. Chỉ mình tôi thuộc bộ phận điện của đoàn công tác 3 người. Vì người liên hệ là một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam cho nên nhà máy yêu cầu tôi phải dấu hoàn toàn danh tính nhưng sau khi hoàn tất công trình và cho chạy demo thành công tốt đẹp trước hai phái đoàn sản xuất xe hơi lớn tôi đã nói với người liên hệ, tôi là người Việt Nam.
Và...trái đất xoay tròn, nhân dịp chuyến đi công tác này (và cũng là lần đầu tiên tôi biết nước Mỹ), lần đầu tiên tôi được gặp Dì em Mẹ và Chú, người đã đỡ tôi khi tôi cất tiếng khóc chào đời tại nhà cụ Chánh Lãng, làng Bát Tràng Hà Nội.
Ảnh đi kèm: Chụp cùng Chú Dì và con dâu Thu Lê, vợ TS. Phùng Liên Đoàn, nhà khoa học Mỹ. Ảnh chụp tại tư gia TS. Phùng Liên Đoàn.
Hai Duong Do's photo.
Ngay sau khi được tin Cụ mất ,từ London nước Anh ,cháu Nguyễn Anh Minh chia xẻ cảm xúc của mình :
 Cụ Má đúng là Bà mẹ Anh hùng như lời của chú Tuyên Quang. Không phải chỉ một lần cháu nghe và nhận thấy lòng kính yêu của từ đó, mà luôn từ tất cả gia đình các cô chú và các bác khi có dịp hàn huyên gặp mặt và thăm hỏi về sức khỏe của bà ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào mà Đại gia đình Mai Lĩnh đặt chân.

Đạt tuổi Bách niên và nhẹ nhàng ra đi qua một chặng đường đáng nể vượt bệnh già, Cụ Má quả là nữ Anh kiệt của gia đình và họ tộc. Cháu trộm nghĩ khi gặp tổ tiên và các cụ, chắc Cụ Má sẽ cười và nói: "vậy là tôi xong việc rồi nhé!". Chỉ vậy thôi, vì Cụ Má rất kiệm lời và hiểu mọi người, kể cả tới hàng cháu chắt trong nhà mà cụ biết khi còn minh mẫn.

Về phần mình, cháu ít khi gặp cụ vì không có nhiều thời gian ở nhà từ năm 1997 (năm 1999 là đám cưới của Quyên và cháu tại Hà Nội, cụ thân chinh làm đại diện và còn mãi hình ảnh của Cụ Má với Bà Ngoại cháu cùng cười vui vẻ trong đoàn đón dâu, còn em Giang, cô sinh viên năng động và mới tốt nghiệp đại học ỏ Mỹ, thì khi đó là cô phù dâu xinh xắn cho chị Quyên). Khi gặp lần đầu (hình như cuối năm '98) tại nhà Hoàng Cầu (HN), cụ nhắc một câu mà cháu không quên: "Anh chịu khó phấn đấu là tốt, chứ tôi là không thích người lười" (chắc khi đó thấy cháu cầm dao gọt xoài lúng túng, cụ khích lệ cho khỏi ngượng!). Và một lần sau đó, khi về thăm con gái mới sinh và cũng là dịp đám cưới của hai em Mai - Thắng (đầu 2003), nhìn cảnh bịn rịn khi quay lại nơi học, cụ nhắc thêm: "Anh cứ an tâm mà đi, lo tương lai cho mình và gia đình chứ đừng sợ chúng tôi không biết giữ mình". Em Hoàng con chú Sơn hôm rồi còn nhắc mẩu chuyện tương tự khi cháu vào chào Cụ tại SG năm 2002.

Ghi lại vài câu chuyện nhỏ, từ Cụ và cũng như những điều nghe lại ở đây, là một cách mà các cháu từ nơi xa muốn thường xuyên nhắc mình về sự phúc đức và lẽ phải mà Cụ Má, bằng nhiều cách giản dị và thầm lặng khác nhau, đã gây dựng và giữ gìn cho gia tộc và con cháu trong nhà.

Kính cẩn mong Cụ hưởng An lạc  với Cụ Ông và hội ngộ vơí tổ tiên. Cụ đã cả một đời sống cho con cháu, giờ là lúc rất thanh thản nằm xuống nhưng sẽ mãi ở trong tâm niệm của đại gia đình.

Cháu Anh Minh
(chồng của cháu Đỗ Quyên, là trưởng nữ của bà Đỗ Thị Bắc Ninh và ông Dương Tiến Thọ).

Từ Kitchener Canada ,trong lúc chuẩn bị lên đường về chịu tang ,Đỗ Hải Dương viết :

Người Mẹ,

Con đang chuẩn bị hành trang về chịu tang Mẹ, người Mẹ bao nhiêu năm "lê la" trên đường phố Cầu Đất Hải Phòng để mang về miếng cơm cho gia đình trong lúc người ta đang đánh tư sản. Người Mẹ mà mổi khi con chuẩn bị phải ra đi vì chuyện gì, bà làm cơm thịnh soạn, im lặng và chỉ đến lúc con chào Mẹ con đi, bà òa lên khóc. Rồi con trở về, bà mừng vui khôn xiết. Có lúc như bà rất tự hào về con...Nhà rất nhiều con trai con gái, năm đó bà dẫn mình tôi về giới thiệu với họ hàng làng Bát Tràng (Tại sao vậy? mãi sau này tôi mới hiểu....vì con bà vừa thoát chết!).


Cái làng Bát Tràng năm đó hiện lên trước mắt tôi với toàn nhà gạch sạch sẽ thơm thọ. Mẹ dẫn tôi đến nhà cụ Chánh Lãng, chính nơi đây, tôi sinh ra và Chú Thảnh, người em rể Mẹ tôi lại là người đỡ tôi khi tôi bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Rồi bà gọi U Dương, người làng Giang Cao đến và chính ngay tại nhà cụ Chánh Lãng lần đầu tiên trong đời, tôi được biết U nuôi tôi là ai. Những câu chuyện về làng Bát Tràng Hà nội với những cái tên Bà Giáo Múc, Ông Ký Đậy...toàn Chánh, Ký, Giáo...hiện lên trước mắt tôi.

Đau đớn trong lòng tuổi ấu thơ tôi đã làm Mẹ tôi buồn và cái roi năm đó bà quất tôi vừa quất vừa khóc kêu than " Trời ơi con ơi! Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa người ta nói con cái nhà này ngoan mà giờ ra nông nỗi này!". Năm đó, tôi không còn bé nữa, đã 14 tuổi rồi và nhận cái roi cuối cùng trong cuộc đời từ tay của một người Mẹ. Một sự oan trái vì bất công và giáo điều chủ nghia của chế độ đã làm cả hai mẹ con tôi phải đau khổ! Nỗi đau đớn này tôi không bao giờ quên và chính cái thằng dân quân năm đó bắt tôi sau này phạm tội hủ hóa. Nó đã vu oan cho một đứa trẻ chỉ vì lòng yêu thích thí nghiệm vật lý, cùng một đứa trẻ khác phun lửa làm xiếc mà bị vu oan là gián điệp đốt lửa gọi máy bay Mỹ đến bắn phá(????). Và ngược đãi làm sao, sau khi nó bắt tôi khai lý lích, thấy dính cái chữ thành phần gia đình tư sản thì nó tha thằng bé kia (kém tôi khoảng hai tuổi) còn giữ lại mình tôi và bắt giam tôi qua đêm ở ngay UBND xã. Tại sao cả hai đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên cùng tham gian một sự việc lại tha đứa kia và chỉ giam mỗi một đứa chỉ vì cái đứa này có thành phần gia đình khác? Và từ cái thành phần gia đình đó lại tự suy ra nó là gián điệp gọi máy bay Mỹ đến bắn phá trong khi chúng tôi nghịch phun lửa vào ban ngày???? Đau đớn vô cùng và nỗi uất hận này tôi không bao giờ quên! Một oan trái của chế độ đã làm cả hai mẹ con phải đau lòng!

Mấy đợt ra đi chót lọt của anh em chúng tôi tìm đến chân trời Tự Do, có lẽ Mẹ tôi là người mừng nhất!

Sau khi đến Canada được 3 năm vào công dân thì tôi bảo lãnh Mẹ tôi sang chơi. Mẹ tôi lúc đó đã gần 80, bà đi máy bay một mình. Bà đi khắp nước Mỹ và Canada suốt từ đầu Đông đến đầu Tây của hai quốc gia. Khi tôi đón Mẹ tôi ở sân bay Buffalo, USA, tôi ngạc nhiên thấy Mẹ tôi nhanh nhẹn đi thoăn thoắt một mình và chia tay người bạn Tây bằng một câu tiếng Anh.


Sau khi đọc bài này ,Phạm Lũng Hà Hải Phòng viết bình luận :
đọc bài viết của em, nhắc đến chuyện mẹ em sang nước ngoài chơi, chị vẫn nhớ hình ảnh của mẹ em khi bác trở về VN năm ấy. Bác vào nhà chị và khoe với mẹ chị là bác mới đi chơi mấy nước về. Bác mặc áo dài, đẹp sang trọng và trên gương mặt bác hiên lên bao niềm sung sướng mãn nguyện và tự hào vì các con, vì bác đã đạt được mục đích của cuộc đời là khuyên các con đi tìm TỰ DO đích thực.
Lớp học của chị và chị Giang đã được thông báo tin buồn của gia đình em, Các anh chị đã chuẩn bị để đến chia buồn cùng gia đình em vào dịp này.


Lá thư khóc Mẹ từ Seattle của Đỗ Tuyên Quang 
Seattle May 17, 2015
Mẹ ơi,
Chắc là Mẹ ở với chúng con khi chúng con bước vào tuổi 70 Mẹ mới yên tâm về với Ba con ở nơi Vĩnh Hằng. Mẹ ơi, con cảm ơn Ba Má đã tạo hinh hài chúng con. Ba cho chúng con tính nhẫn nại, sức chịu đựng, nhưng Mẹ cho chúng con tinh thần bất khuất vươn lên với lòng dũng cảm và ngẩng cao đầu.


Con thấy Mẹ khóc không biết bao lần, khóc khi mỗi lần nhận được thiếp thư của Dì trong Nam gửi ra khi nghe tin những đứa con Dì đứa thì tốt nghiệp từ đại học MIT, đứa thì từ Illinois, trong lúc con mình đang bán bánh đầu đường, đang bị Công An đuổi.
Người ta tốn hàng chục hecta đất của dân, tồn hàng vạn tấn đá để tạc bia kỷ niêm bà mẹ VN anh hùng. Với Mẹ, Mẹ là Người Anh Hùng và cũng rất đỗi Thông Minh trong tim chúng con. Mẹ đã dẫn dắt cả đàn con lắt nhắt qua khỏi cái thời mà người sống với đèn dầu bụng lép kẹp với khoai sắn và rau muống lại bị dạy dỗ để giải phóng người đang sống trong ánh sáng ngọc bích của Hòn Ngọc Viên Đông.


Trong những năm tháng đó, khi cải tạo tư sản giáng xuống gia đình mình hình như cũng có lúc Mẹ bị choáng váng như là người nhạc trưởng không tin vào sự chỉ huy tài ba của minh đành cho dàn nhạc giải tán. Con được gửi vê cho Bác Ba ở Phúc Yên nuôi, cho nên cây gạo làng hoa đỏ ối với Sông Cà Lồ, đường sống trâu bùn lầy ngập lẫn với phân trâu, con chim vành khuyên làm tổ trên cây na trước cửa căn nhà đất buông mành che chắn ruồi của Bác Ba địa chủ gắn một phần với tuồi thơ của con. Em Dương gửi cho anh Tiến chi Sửu nuôi, Em Thọ được gửi cho anh Lân. Đàn gà con dưới nách Mẹ phải ly tan. Nhưng cú sốc đó không lâu, nhớ con, Mẹ bình tĩnh lại, Mẹ lại gọi các con về, tất cả lại thành một mối, tổ ong cái kiến bắt đầu hình thành. Và từ đó cuôc chiến đấu với miếng cơm manh áo bắt đầu. Vất vả đó nhưng tiếng cười trẻ thơ lúc 10 giờ tối của “Muỗi Sài Gòn” trong khi nặn bánh chắc Dương, Thọ không bao giờ quên. Mẹ dạy chúng con lòng dũng cảm, cách chiến đấu để có miếng vào bụng dù là ngô khoai hay sắn và mở mang trí tuê để ngẩng mặt làm người. Cảm Ơn Mẹ của con.


Mẹ khóc nhiều lần lắm, khóc khi không đủ cái ăn cho các con dù chỉ là cân bột mì mốc cho tuổi trẻ háu đói hay bát ngô mảnh vàng bung cho Ba. Mẹ khóc khi quản lý thị trường bắt gánh hàng rong của Mẹ và biết chắc rằng ngày hôm nay các con sễ đói. Mẹ khóc vì nhớ lại chiếc vé tàu xuôi Nam đã trong tay mà không đi được vì tình vợ chông, tình bạn bè. Mẹ khóc vì thằng Quang làm chết sáu con lợn choai choai cùng một lúc. Mẹ khóc và định tự tử khi tiền bán lợn để trong cái rương giấu trong thùng rác trong buồng số 3 bị kẻ trộm lấy mất. Chúng con lớn tới tuổi ba mươi mà Mẹ vẫn khóc. Mẹ khóc vì không biết còn có thể gặp chúng con khi tính mạng con mình đang đánh cược với nhà cầm quyền đồng minh với hà bá từng giây từng phút.


Hôm nay chúng con khóc Mẹ. Mẹ đã xa rồi, xa mãi mãi, nhưng Mẹ vẫu đâu đây gắn kết chúng con lại. Hình ảnh người mẹ lưng còng với gánh xôi đỗ đen, xôi bắp nếp, bánh khúc, bánh trôi, bánh chay, bánh rán, bánh khoai , bánh sắn, khoai luộc, sắn luộc, ốc biêu, ốc mút, v v, và cuối cùng là đi xay đỗ thuê. Nhìn gánh hàng của Mẹ theo thời gian là người ta biết một thời điên đảo của lịch sử Việt Nam. Một thời mà anh lái xe chỉ quét gạo rơi vãi trên xe là có thể nuôi sống cả nhà, trong khi đó anh kỹ sư với đồng lương không thể nuôi sống chính bản thân mình. Cái thời người có thể sai khiến người bằng miếng cơm manh áo.


Những người bạn của Mẹ như bà Bán Gạo Việt Tân, Nước Mắm Vạn Vân, Bà Lâm bán xôi đậu xanh ngồi cạnh Mẹ, bà Cam nuôi lợn, Anh Ốc giò chả Ngõ 110A, Ông Dưỡng Thợ Nề, Ông Thợ Mộc già bên ngõ Muối, bà bán tương, anh Tráng ở Trang Trại Mai Lĩnh Hải Phòng cùng với những nhân vật như ông Lương Tôn Lượng thư ký của Hiệu thuốc Mai Lĩnh, ông Khiêm cán bộ cải tạo tư sản, tiếng rao lạc rang của ông Mỹ mù trong đêm tối lạnh, Rạp xi nê ma Công Nhân tối tối ca bài Trường Ca Sông Lô, Bộ Đội Về Làng trong đêm mưa ngập nước đường Cầu Đất Hải Phòng, tiếng loa công cộng xa xả nói từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm trên cột điện gần vòi nước công cộng trước cửa nhà Cắt Tóc Mai Hải đều có thể viết thành một câu chuyện dài về nước mắt và mồ hôi của Mẹ, của chúng con, của gia đình Mai Lĩnh, và cũng là một giai đoạn đảo điên của lịch sử Việt Nam.



Tạ ơn Trời Đất đã cho con một người Cha một người Mẹ mà con suốt đời thương nhớ vả cảm phục.


Quang Tuyên Đỗ
ML07

Nguyễn Đỗ Dũng ,viết

Cảm ơn bác Quang đã chia sẻ về bà. Cháu đọc trên đường đi lam mà không giữ được nước mắt. Như bác đã viết, Bà luôn dạy các con cháu phải sống ngẩng cao đầu, dũng cảm vượt qua gian khó của cuộc đời và luôn hướng về phía trước. Bà thực sự là một thủ lĩnh, luôn truyền cảm hứng và sức mạnh cho lớp chúng cháu qua những lời nói rất tình cảm mà tinh tế. Một chuyện luôn in đậm trong tam trí cháu (mà cháu đã viết thành bài 'phỏng vấn bà ngoại') là khi nhà cháu mới dọn về căn nhà mới để chuẩn bị đón Giang ra đời (nhu vậy cũng 22 năm rồi), bà ra chơi. Trong một lần cháu hỏi bà chuyện ngày xưa ông bà yeu nhau thế nào, đám cưới 'hoành tráng' nhất nhì Hải Phòng ra sao. Khi câu chuyện đã lắng xuống, cháu hỏi bà :"bà có tiết không?". Bà nhìn quanh căn nhà mới rồi mới nói, ngắn gọn nhưng quả quyết: "được thế này không tiếc!". Đó là câu trả lời hay nhất mà cháu từng được nghe cho tới ngay hom nay từ một người mẹ chỉ học hết lớp hai nhưng vô cùng sau sắc và rộng lượng, luôn biết cách động viên và truyền sức mạnh cho các con.
Tối qua hai vợ chồng cháu thắp hương cho bà ngoài vườn, dưới một cây đại đang trổ hoa. Trời mưa cả ngày đã dứt mà lòng người nước mắt vẫn chưa ngưng. Không phai khóc vì sự ra đi của bà, cháu khóc vì xúc động khi nghĩ đến bà, khóc vì biết ơn cuộc đời này có bà.
Hai cháu Dũng - Quỳnh

Lá thư từ Las Vegas của Phùng Liên Đoàn (nhà khoa học nguyên tử của Mỹ,con trai của Cụ Lê Thị Phòng ,em gái của Cụ Bà)
Anh Bình:

Chúng tôi, Ba Má và toàn thể những anh chị em đã biết bác Ngọc (trai) và bác Ngọc (gái), xin thành thực chia buồn với anh và gia đình trong sự ra đi không trở lại của bác Nội. Nhưng bác lại gặp được bác trai và chờ đợi tới ngày nào đó sẽ tiếp đón chúng ta.

Tôi vẫn nhớ bác trai từ hồi đi tản cư ở phố Bôn Thanh Hóa, từ khi ở làng bác tiêm thuốc cho Ba tôi năm 1950, từ khi Bác tặng tôi quyển tự vị Larousse tại tiệm sách ở phố Hàng Than năm 1951 khi đỗ tiêu học, và từ khi thăm Bác tại cửa tiệm bán bút máy có khắc chữ tại bờ hồ Hoàn Kiếm. 

Tôi vẫn nhớ bác gái qua nhiều lần bác tới tận Hoa Kỳ thăm viếng Ba Má tôi, và đã có lần tôi lái xe đưa Bác thăm khu nhà đất 1000 mẫu Vanderbilt tặng quốc gia Mỹ làm viện bảo tàng. Cũng nhớ đã nhiều lần gọi hỏi thăm Bác khi Bác đi thăm các anh các chị tại Mỹ và Canada.

Là kỹ sư như anh, tôi chúc mừng Bác ra đi thanh thản, đoạn tuyệt với những đau đớn hình hài và chỉ giữ những kỷ niệm êm đẹp. Mọi người đều có chung một số phận, và ai cũng biết: "ra đi là giải thoát", và: "sống ở, thác về". Vậy thì ta chỉ nên cảm ơn số phận của ta, có lúc bĩ cực, có lúc thái lai.

Tôi xin chia sẻ với anh chuyện ông Tư chết mà vui, nếu không chia sẻ được với những người còn giữ hủ tục "khóc càng to thì càng tỏ lòng hiếu thảo"!

Anh Dũng và tôi đang xây WC cho Chùa, cho chợ, cho các dòng họ Battrang. Cũng đang dọn sạch rác bờ sông Battrang. Lấy nhà thờ họ Lê làm trụ sở Tổ Tự Nguyện. Đây là nơi sinh ra bác Nội. Bác có "về" thì cũng hả hê là con cháu cụ Phòng, cụ Nội, cụ Mỹ, cụ Liêm, cụ Tráng, cụ Hiển đã làm được vài việc có ích cho đời. 

Khấp gửi,
Phùng Liên Đoàn

Những dòng mà Đỗ Phú Thọ viết về Mẹ nhân ngày Mẹ 10/5 vừa qua
Con với người xa cách núi sông
Người xa xa quá nhớ con không? "
Mẹ nào mà chẳng thương nhớ con nhưng mẹ tôi đã 100 tuổi đầu óc không còn minh man nữa. Ngày của mẹ ở xứ người con nhớ đến mẹ với cả trái tim thương yêu nhất. Cam ơn anh chị em cùng thân quyển ở gần mẹ chăm soc mẹ và đem niềm vui đến cho mẹ hàng ngày 
Còn đây là thiệp mà Đỗ Phú Thọ ,con trai út của Cụ gửi về nhân dịp cuối năm 2011




Còn đây là những dòng Đỗ Hải Dương viết trên FB ngày 10/03/2015 
Câu chuyện xa xưa

Không biết có phải mình khi con bé quá nhạy cảm không mà đến giờ mình hãn còn nhớ cảm giác hạnh phúc của Má mình nhìn hai cậu con trai hơn kém nhau có một tuổi chơi với nhau. Bà mỉm cười "Trông kìa, hai đứa chơi với nhau như Rồng với Rắn!". Lúc đó có lẽ mình chỉ khoảng mấy tuổi thôi và hai anh em luôn cắt đầu "sư cọ mốc".

Khi lớn lên chút thì sáng sáng ngồi bên cạnh mẹ ở đường Cầu Đất Hải Phòng. Một cảm giác an toàn vì có bà bên cạnh giữa một dòng người nườm nượp. Khi gần bán hết hàng, hai me con mỗi người một bát xôi bắp nếp ăn thay cho bữa sáng. Cảm xúc sung sướng nhất là hôm nào được Má mình cho tiền 2 hào đi ăn quà. Đó là một buổi hàng bán chạy. Và với 2 hào ngày đó mình tha hồ muốn ăn gì thì ăn.

Thế mà bao năm đã qua đi và giờ bà đã 100 tuổi.


Đỗ Phú Thọ ghi chú dưới bức tranh :
"Theo thường lệ ,tối thứ sáu hàng tuần em và Hậu đến chùa Viên Quang tụng kinh "Đại bi sâm pháp" .Tối thứ sáu vừa rồi,bác Đào Phật tử ở chùa có kể lại hồi trẻ sống ở  Hải Phòng và có họ hàng với nhà Sĩ Ký .Ký ức những ngày phụ giúp mẹ bán bắp nếp kiếm sống bỗng ùa về ,em vội vẽ bức tranh này .Không ngờ sau đó vài giờ nghe tin mẹ mất" 

14 nhận xét:

Minh Quyen UK nói...

Cảm ơn bác và các cô chú đã chia sẻ cảm xúc. Còn nhiều lắm những người giống tính Cụ Má, nói ít nhưng yêu thương để trọn trong việc làm và tấm lòng cho gia đình và người thân.

Minh Quyen UK nói...

Cháu Minh

Minh Quyen UK nói...

Truong Huy San
Yesterday at 11:28 · Edited ·
Vĩnh Biệt Một Thành Viên của Nhà Xuất Bản Mai Lĩnh
Được tin Cụ Bà LÊ THỊ NỘI từ trần, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa xin chia buồn cùng anh Đỗ Thái Bình (Do Thai Binh) - con trai cụ. Cụ bà Lê Thị Nội - nổi tiếng với tên gọi Bà Bảy - Mai Lĩnh Hải Phòng. Là "nội tướng" của nhà Mai Lĩnh lừng danh trong khoảng thời gian 1934-1945 với các hoạt động xuất bản, kinh doanh sách báo. Nhà Mai Lĩnh đã xuất bản toàn bộ tác phẩm của Ngô Tất Tố trước 1945; xuất bản Vỡ đê, làm đĩ, Lấy nhau vì tình của Vũ Trọng Phụng; xuất bản Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân; Tôi kéo xe của Tam Lang; Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Phạm Huỳnh, Nguyễn Lân đều có sách in ở Mai Lĩnh. Nhà Mai Lĩnh Hải Phòng từng giàu có và nổi tiếng, chỉ thua nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà. Mong cụ yên nghỉ.

Minh Quyen UK nói...

Cùng rất nhiều chia sẻ ngắn gọn nhưng chân tình trên trang nhà của bac Bình
https://www.facebook.com/binhthaido

Minh Quyen UK nói...

Chia sẻ của các con cháu Cụ Má trong đại gia đình Mai Lĩnh:
Cháu vừa đọc trên face của cô Hà mới biết Bà mất. Vậy vợ chồng cháu xin chia buồn cùng chú Do Thai Binh và gia đình. Cầu mong linh hồn Bà siêu thoát. (Cháu Nguyễn Thu Hà - Vũng Tàu).
Like · Comment · Share
Thủy Nguyễn likes this.

Jane MaiHanh Tran Cháu được tin em Bé tí và cô cháu xác nhận là Bà , bà má Anh hùng của các chú đã ra đi trong yên tịnh . Chúng cháu xin tiếp lời ca ngợi và cầu nguyện cho bà được tiếp tục là người hùng hay thảnh thơi an nghỉ trên thượng giới . Nhưng chắc chắn đó là sứ mạng mới .Còn sứ mạng dưới trần này bà đã hoàn thành vẻ vang .
Like · Reply · 19 May at 15:00

Jane MaiHanh Tran
Cháu may mắn là người ở lại cuối cùng trong chi thứ hai. Được sống hít thở trong hai bầu không khí . Một cũ, một mới lại là người giáo viên nhân dân đến tận ngày rời xa đất nước . Được gặp Bà ( một người cháu khá tò mò ) , được gặp Bác Lược ( một anh rể của mẹ cháu mà cháu thường nghe khen tặng ) rồi Bác Lợi ( tự hào có Bác giỏi )và các anh chị em xa gần như anh Khướu nay là nhà văn nổi tiếng , anh Yểng , chị dâu Dỗ Phương,.. cô Giang ....
Like · Reply · 19 May at 15:05

Jane MaiHanh Tran Ngay khi chào bà xong, là cháu xà vào cạnh bà làm ngay một cuộc hỏi han tỉ mỉ cho thỏa chí tò mò mà qua mẹ cháu cháu thấy hình như chưa được trung thực lắm .
Like · Reply · 19 May at 15:07

Jane MaiHanh Tran Mẹ cháu chỉ khen ông Bẩy Ngọc là hiền là giỏi thôi . Mẹ cháu quên nói về Bà hay chỉ nói một cách sơ sài . Còn cháu thì với đấu óc phân tích , hay mổ xẻ nên cháu vẫn mang nhiều nghi vấn . Đến khi được chung sống với chế độ mới cháu lại nảy sinh thêm bao nhiêu dấu còng nữa . Làm sao với đồng lương công chức , dạy học 3 đồng của ông mà 12 chú cô đều thành người, thành danh cả .
Like · Reply · 19 May at 15:10

Jane MaiHanh Tran Thì đấy, bà kể lại lúc đánh tư sản , ông chị hô hào bà, và ra tự nguyện khai tất tần tật của cải để đem giao biếu cho chính quyền . Bà tức điên người nhưng chẳng làm gì được . Ối giời ạ, thế mà ông được mẹ cháu tô bóng lên dữ lắm đấy . Đúng là ông hiền,hiền thât để làm khổ bà , bà nhỉ . Rồi làm sao ? Thì bà phải dấu đi để mà sống còn chứ . Thế ông có mắng bà không ? Mắng chứ , bảo là không tin chế độ .......
Like · Reply · 19 May at 15:15

Jane MaiHanh Tran
Bà cứ thế, chả thèm nói với ông nữa . Bà cứ nuôi dạy , cấm các chú bỏ học . Sao các chú văn võ, kỹ thuật toàn tài vậy ? À, thì ngoài giờ học, phụ việc nhà xong, bà xin ( hay bà đóng tiền ?) với các ông đầu ngõ có nghề sửa đồng hồ, radio, điện khí và ch...See More
Like · Reply · 19 May at 15:20

Jane MaiHanh Tran
Giọng bà đều đều , nhẫn nại kể lại cho cô cháu gái tò mò hỏi" tỉ mỉ lông nheo "vơi một giọng bình thản không tự khen mình hay chê chắn ông chị đã một thời làm bà đảo diên giữa lúc tranh tối tranh sáng của thời cuộc . Làm sao để sống còn với đàn con 12,...See More
Like · Reply · 19 May at 15:26

Jane MaiHanh Tran Rồi lại một năm nào đó , được trùng phùng với Bà khi bà đến đất Mỹ . Dù biết bà rất tài ba , nhưng không thể phát tiếng kêu Ôi sao bà giỏi thế . Dám làm cuộc hành trình từ VN đến Mỹ một mình . Lại hỏi nữa : Thế bà không sợ lạc à ? Sợ gì ,việc gì phải sợ cứ đi , cứ hỏi , lạ lẫm gì !!!

Minh Quyen UK nói...

BaThanh Nguyen
Kính thăm Chú Đỗ Thái Bình và toàn thể tang quyến,

Gia đình chúng cháu xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này cùng các Cô Chú và Đại Gia Đình Mai Lĩnh trước sự ra đi của Cụ Bà Lê Thị Nội. Chúng cháu xin góp lời cầu nguyện cho hương linh Cụ Bà được sớm về Cõi Vĩnh Hằng. Tin rằng Bà cũng sẽ luôn phò hộ cho các Cô Chú luôn được bình an trong lúc khó khăn này.

Bà đã ra đi... thọ bách niên
Ung dung về đến cõi An Nhiên
Vỗ giấc ngàn thu nơi Vĩnh Phúc
Tịnh độ siêu sanh chốn Vô Biên...

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Gia đình Thành-Hằng (California)
Con Cô Nguyên - Chi Ông Sáu

Unknown nói...

Xin thành kính nghiêng mình trước vong linh của cụ... Ở tuổi bách niên, mấy ai đạt được như cụ. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, chắc hẳn cụ đã mỉm cười mãn nguyện và tự hào vì đã hoàn thành công việc nuôi dạy con cháu...một cách xuất sắc... Có thể nói cụ là một người đàn bà Thép- cả về tinh thần lao động cần cù không mệt mỏi lẫn ý chí sắt đá hiếm người có được...
Hình ảnh cụ bà Mai Lĩnh với tấm lưng còng miệt mài bên chiếc cối xay đỗ xanh... mỗi dịp tết đến xuân về trên vỉa hè con phố Cát Dài ngày đó...
Luôn in đậm trong tâm trí tôi... Đó như là biểu tượng sống cho tinh thần lao động cần cù, đáng kính nể mà các bậc cha mẹ của phố Cát dài lấy đó làm gương răn dậy cháu con của mình... Cụ mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần lao động cần cù, chịu thương chịu khó và nghị lực phi thường... để con cháu sau này noi theo...
Trong trang ở Face book Người Phố Cát Dài cũng có rất nhiều người vào viết cảm nghĩ và chia buồn cùng gia đình

Minh Quyen UK nói...

Các lời hỏi thăm và chia sẻ của người thân quen được lưu trên các trang tin sau:
Bác Đỗ Thái Bình
https://www.facebook.com/notes/do-thai-binh/tin-bu%E1%BB%93n/934774256554476?pnref=lhc
Cô Đỗ Hồng Hà
https://www.facebook.com/dohongha.ha?fref=ufi
Cô Đỗ Hiền Lương
https://www.facebook.com/profile.php?id=100008715918232

Minh Quyen UK nói...

Viet Nguyen Kim
19 May at 08:18 · Edited ·
Sáng nay mở FB, nhận được tin của Dohongha Ha, Cụ bà Mai Lĩnh đã ra đi. Cũng hơi sốc.
Đọc bài của anh Đỗ Hải Dương thấy xúc động. Lứa chúng tôi sinh ra đúng vào tháng, năm tiếp quản Hải Phòng, cùng cảnh ngộ nên rất thấm thía bài viết này.
Tôi nhớ cái ngày hè năm 1973, làm thợ Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, tôi lần đầu tiên tôi bước chân vào nhà Mai Lĩnh ở ngõ Thanh Bình. Cảm giác đầu tiên của tôi là rất khác, ít nhất là khác với những gì Bố tôi, Ông giáo Khâm, kể. Ông cũng là nhà tư sản dân tộc (như cách chúng tôi phải khai trong lý lịch để phân biệt với tư sản mại bản, cho thành phần nó nhẹ đi!). Ông sinh năm 1908 và là từ điển sống của Hải Phòng. Trong lời kể của Bố tôi thì cơ ngơi Nhà Mai Lĩnh rất khác. Khi đó nhìn quanh, từ mảnh vườn, ngôi nhà, đồ đạc đều xuống cấp. Vào nhà ập vào mắt tôi là Tủ sách, cổ-kim-đông-tây, ngạo nghễ vươn lên, không xuống cấp. Nhìn các anh lặng lẽ mỗi người một góc đọc sách, tôi tự thấy mình nhỏ bé.
Năm 1980, tôi ra quân, khi hầu hết bạn bè bằng cách này hay cách khác đã và đang qua đại học, tôi rất hoang mang. Lại đến Nhà Mai Lĩnh, tôi được Ông Mai Lĩnh đưa cho cuốn "Những năm tháng không quên" của Nguyễn Ngọc Ký và nói "phải đứng bằng hai chân của mình cháu ạ". Bố tôi cũng dạy tôi thế và tôi không bao giờ quên.
Vào ngày hôm đó, khi tôi gõ cửa Nhà Mai Lĩnh, Bà nhỏ bé, lưng còng, tay dài, tóc bạc trắng mở của đón chúng tôi với đôi mắt tinh anh, sắc sảo, kiên cường và không xuống cấp.
Nay Bà, một trong những Nhà tư sản cuối cùng của Hải Phòng, ra đi xin cho chúng con thắp nén hương phân ưu.

Minh Quyen UK nói...

Hienluong Do
16 hrs ·
Đang ngồi chờ ở Taipei , khoảng 1 tiếng nữa thì có chuyến bay về VN , thế là xắp được gặp cả nhà, buồn vui lẫn lộn , buồn nhất vì là dịp anh em gặp nhau để tiễn đưa Mẹ ra đi mãi mãi. Các con mình gửi tin nhắn " Mẹ có OK không ? " "không buồn được. Mẹ gặp các bác làm vui " đáng yêu làm sao với vốn tiếng Việt của cậu con trai 21 tuổi. Trước khi mình bay các cháu ngồi ôn lại những kỷ niệm về Bà , chúng đặt tên cho Bà là "iron woman " . Năm đó chúng tôi bảo lãnh Bà sang Canada chơi ( lần thứ 2 ) , anh Tâm - chồng tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc, tôi than với Bà : con thấy luc anh Tâm đi hoc con vất vả qúa Mẹ ạ , xong rồi lại chưa có việc nữa " Bà nói : uí dào, vậy thì con chịu khó vất vả thêm 2 năm nữa để anh âý có bằng cao học " một bà già gần 80 tuổi, trình đô văn hóa lớp 2 mà có suy nghĩ như vậy đấy, Mình chẳng dám than gì nữa và thấy vui vui

Minh Quyen UK nói...

Kim Chi Nguyễn Một bà mẹ hạnh phúc, thật bõ công những năm tháng bà vất vả " lê la" kiếm sống ngoài đường để nuôi dạy đàn con" trứng gà trứng vịt" lớn khôn, thành đạt... chắc trước khi nhắm mắt cụ đã mỉm cười mãn nguyện pha lẫn tự hào...
Like · Reply · 19 May at 06:21 · Edited

Minh Quyen UK nói...

Thành Đô
3 hrs · Edited ·


Vô cùng thương tiếc Cụ bà Mai Lĩnh, mong Cụ thảnh thơi về nơi cõi Phật.
Gia đình Dương Tiến -Thái Bình xin được chia buồn cùng Đại Gia đình Mai Lĩnh !

( trong ảnh: Cụ bà Mai Lĩnh cùng Cụ bà thông gia Phú Thịnh - bà nội của Thành Đô )

Unknown nói...

Thế hệ con cháu Mai Linh sau này, dù ở trong nước hay hải ngoại, được thừa hưởng ý chí, nghị lực vươn lên của dòng họ Mai Linh sẽ tiếp nối giữ gìn truyền thống và làm cho danh tiếng Mai Linh ngày càng toả sáng.

Đây là lời của cháu Nguyễn Đỗ Hồng Minh, con của Đỗ Hiền Lương, con gái út của cụ bà Lê Thị Nội, Cháu Mình sinh tại trại ty nạn Hồng Kông, trưởng thành tại Canada, đang làm chuyên viên về International Client Relationship cho một hàng dầu mỏ lớn tại Calgary Alberta Canada.

Minh Badau
May 20 at 12:09am •
Bà ơi bà, Cháu yêu bà lắm
Tóc bà trắng , màu trắng như mây
Cháu yêu bà , cháu nắm bàn tay
Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui .
...
Love you so much, and missing you so much. Your strength was inspiring and I will never forget the things you taught me, just by being you and not apologizing for it. I cry tears of sadness, but know that you would not want any of us to be so sad. At 99 years old, you lived a hard, but fulfilling life! You truly leave behind a legacy and I hope all of us have made you proud so far! Love you Grandma, and I know I have the greatest guardian angel by my side now.

Minh Quyen UK nói...


Đỗ Hà liked this.

Duong Binh Do in Đa Phước
1 hr ·
Bà nội mất.
Mình không có bức ảnh nào chụp riêng với bà, và vì rất nhiều lý do, mình ít có thời gian ở bên bà.
Thật ra, ngày xưa, mình cũng như QN bây giờ, rất sợ bà nội: "Vì bà dữ".
Vì mình hay ăn vụng khi chưa mời người lớn, hay ăn mà "bỏ mứa", mà mỗi lần như vậy, bà nhéo tai và bắt đứng dưới bếp.
Sau này, khi đi học và đọc nhiều về những câu chuyện của gia đình, được đặt vào câu chuyện của đất nước, trong những năm tháng cải cách ruộng đất, những năm tháng của nạn Hoa kiều, không đơn giản để gánh vác một gia đình 12 người con, nuôi từng bữa để chúng nên người.
Khi những bức thư của các em giục hối hả vào Nam, mà vì chồng kiên định tin vào cách mạng, ở lại sau vĩ tuyến 17, sẵn sàng lăn xả để làm tương hay bất kỳ điều gì, để kiếm sống.
Bà hay dặn mình, "Ai hay tôi hèn, nhưng không bao giờ được luòi".
Và mình thấy hình ảnh của bà, từ ông kỹ sư vượt biên đi xe máy lên Lạng Sơn mua hàng, bà chuyên viên cao cấp xắn tay áo để quét cống, ông chú giải nhất Toán toàn miền Bắc đi làm phu khuân vác, hay các chú luôn thức dậy 4g30 sáng đi làm Boeing hay tráng bánh cuốn.
Có thể bà không có những người con lớn lên với tấm bằng tiến sĩ MIT làm bạn với phó tổng thống Mỹ.
Nhưng tính chăm chỉ, luôn chiến đấu với những nghịch cảnh, được bà truyền lại cho những người con, dần dần ăn sâu vào máu, từ những năm tháng ở Cầu Đất, trại tị nạn Hồng Kông hay Lán 14.
Có người hỏi, bà mất, để lại những của cải gì. Có lẽ, đó là điều quý giá nhất.
Và mình tin, các thế hệ sau, sẽ giữ được tinh thần ấy của bà. Khi mình về nước, mình luôn mong bà khoẻ để dạy dỗ QN nên người, như bà đã dạy mình, dù rất ít ỏi.
The legacy you leave behind is how you are remembered when you pass away
.
Legacy của bà ư?
Không phải những ánh hào quang đã mất.
Không phải những quyển sách một thời của Ngô Tất Tố hay Vũ Trọng Phụng.
Càng không phải tiệm thuốc ngay ngã ba Cầu Đất.
Mà là hình ảnh của một người đàn bà thép.
CHƯA BAO GIỜ CHÙN BƯỚC