Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

ÔNG BA MAI LĨNH VÀ CON TRAI

Bài viết của Nguyễn Mạnh Tuấn
ÔNG BA MAI LĨNH VÀ CON TRAI
*
Đầu năm 2001, chú Đỗ Văn Ry ,(trong nhà thường gọi là Rỵ, con cả ông Ba Mai Lĩnh Đỗ Văn Kỳ ), nguyên đại tá Chánh văn phòng Không lực Việt Nam Cộng hoà, các hồi ký sau năm 1975, một số tướng lĩnh Việt Nam Cộng hoà có nhắc đến , như một trong những người chịu trách nhiệm chính cuộc di tản cuối tháng 4/1975 của quân đội chế độ cũ, bằng đường hàng không, cùng vợ, từ Mỹ về Việt Nam, thăm họ hàng ruột thịt.
Tôi biết chú Rỵ từ mấy năm đầu thập niên 1950, lúc tôi 7,8 tuổi, khi chú cùng chú Đỗ Như Lân, và hai chú Nghiêm, chú Doanh (thuộc họ hàng bên nội tôi), từ Phúc Yên ra Hà Nội , trọ học tại nhà tôi ở phố Trần Nhật Duật. Chú Rỵ cao đẹp và có tướng phong lưu, nhưng đậu tú tài xong, bị bắt động viên (quân dịch), rồi đi học trường sĩ quan Đà Lạt.
Khi đến nhà tôi ở Gò Vấp, Sài Gòn, vào tuổi ngoài bảy mươi, chú vẫn đẹp tướng và phong lưu, ứng xử thân tình, dù rất có thể chú chỉ mới biết, chứ chẳng bao giờ nhớ thằng tôi nhóc con, hồi chú trọ học ở Hà Nội. Chú hỏi Hà Phương, vợ tôi:
Nghe nói hồi chiến tranh, cháu ở Củ Chi? Chú ở không quân, nhưng rất rành vùng đó. Không chừng chú cháu mình cũng từng gặp nhau.
Vợ tôi nói:
Gặp cháu, chú có bắn?
Nếu biết cháu là con dâu ông Lược, bà Lộc nhà Mai Lĩnh, chú sẽ thả súng để ôm cháu. Còn cháu có bắn chú?
Hai bên không biết nhau, cháu không bắn chú, chắc chắn chú sẽ bắn cháu.
Những người ruột thịt có mặt cùng cười vui vẻ. Thật may, nhà Mai Lĩnh, gần trăm năm, đồng trải đủ mọi thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt đẫm máu và nước mắt, có người bên này, có người bên kia, chưa có trường hợp nào ruột thịt phải bắn giết nhau.
*
Tôi hoàn toàn không biết ông Ba, thân sinh chú Rỵ, vì thời của ông, tôi còn chưa ra đời, nhưng mấy năm sau khi miền Bắc giải phóng (1954), anh tôi (Nguyễn Minh Khôi) sớm đọc, rất mê và thuộc làu cuốn Sông Đông Êm Đềm của Solokhov, khi nhắc về các ông Mai Lĩnh , hay nói: Ông Ba nhà mình chính là Gregori Việt Nam.
Sau này, ở tuổi thanh niên, cũng đọc Sông Đông Êm Đềm, tôi mới hiểu anh tôi ví ông Ba Đỗ Văn Kỳ với nhân vật Gregori trong tác phẩm này, là muốn nói về một nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu, rất nhiệt huyết trong tình yêu nước và lý tưởng tự do, phải vùng vẫy tìm một con đường chân chính cho mình giữa phong ba bão táp của thời cuộc nước Nga những năm thù trong, giặc ngoài, sau cách mạng Tháng Mười 1917. Gregori , lúc Bạch vệ, lúc Hồng quân, lúc thoát ly tất cả , bỏ về với thảo nguyên, vân vân…
Cuộc đời của ông Ba Đỗ Văn Kỳ cũng vậy. Khi ở tuổi niên thiếu, ông đã theo cha, bề ngoài là phụ việc thày lang nay đây, mai đó, thực chất là giúp cha làm liên lạc và móc nối với các nhân sĩ trong mạng lưới phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Năm 1908, tại Hà Nội, xảy ra vụ đầu độc hơn 200 sĩ quan và lính Pháp. Vụ việc thất bại do lỗi ấu trĩ của những người chủ mưu, khiến nhiều người liên quan bị chính quyền Pháp bắt xử tử hình, tù đầy, truy nã. Ông Đỗ Văn Phong, người tham gia cung cấp và bào chế thuốc độc cùng ba con lớn: Đỗ Văn Nghệ, Đỗ Văn Thuật (tức Kiêm, ông ngoại tôi), Đỗ Văn Kỳ đều bị bắt. Năm 1913, chính quyền Pháp đưa vụ án ra xét xử, ông Phong trong số bị xử khổ sai chung thân, đày đi đảo Guyane, Nam Mỹ; các ông Nghệ, ông Thuật, ông Kỳ, trong số bị đày đi Sơn La. Hết hạn 3 và 5 năm tù, ông Nghệ, ông Thuật lần lượt được thả. Riêng ông Kỳ và một số tù nhân tổ chức vượt ngục thành công, sống bất hợp pháp, tham gia vào nhóm Quốc Dân Đảng Nguyễn Văn Tráng, chuyên chế tạo và đánh bom cảm tử, hai năm sau mới bị bắt lại, tiếp tục lãnh án tù tại Sơn La, đến 1924 mới được thả.
Sau khi ra tù, biết tin các ông Thuật, ông Năm và bác Thụ (con ông Nghệ) đang ở Bạc Liêu với cha từ Guyane vượt ngục về sống và tiếp tục hoạt động chống Pháp, ông Ba cũng vào Bạc Liêu. Và từ đây, theo di huấn của cha, ông Ba cùng các anh em trở về, thực hiện việc lập ấp, mở trường, hoạt động báo chí, xuất bản, suốt từ Nam ra Bắc.
Trong anh em nhà Mai Lĩnh, những người trực tiếp tham gia hoạt động báo chí, xuất bản, có ông Sáu Đỗ Xuân Mai, ông Bảy Đỗ Như Ngọc, bác Thụ (Đỗ Văn Thụ) và Nguyễn Hữu Lược (bố tôi, là con rể).Các ông Hai Đỗ Văn Thuật, ông Ba Đỗ Văn Kỳ, ông Tư Đỗ Như Phượng, ông Năm Đỗ Văn Năm, chủ yếu làm kinh tế, vì thời ấy làm xuất bản với các loại sách giáo dục, học thuật, dịch thuật, đều phải bù lỗ, nên công những người làm kinh tế tạo hậu phương vững chắc cho công việc xuất bản, báo chí trong nhà Mai Lĩnh ,rất lớn. Theo bố tôi, suốt hơn chục năm, nhà xuất bản Mai Lĩnh ra đời, tồn tại và thịnh vượng, ở những điểm nóng từ Phúc Yên, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn luôn có mặt nhân vật đa năng và quyết liệt, nay Nam, mai Bắc, giải quyết nhanh mọi chuyện , là ông Ba Đỗ Văn Kỳ.
Những năm ở tù Sơn La, ông Ba có mối quan hệ thiện cảm và thân thiết với những người tù cộng sản. Từ năm 1939, được những người này vận động, ông tham gia vào mặt trận Việt Minh. Năm 1943, ông Ba để bố tôi ở lại Mai Lĩnh Sài Gòn, ra Bắc, tham gia lực lượng Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Bố tôi can: Việc ở Sài Gòn đang rất cần chú… Ông nói: Phải cứu nước trước khi cứu nhà. Khi cách mạng tháng 8 -1945 thành công, ông trở thành Đảng viên Cộng sản. Sang thời kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ cấp trung đoàn của quân đội Việt Minh. Nhưng vào thời kỳ tại chiến khu Việt Bắc khơi mào phong trào chỉnh huấn, ảnh hưởng từ Trung Cộng, quá khứ từng tham gia Quốc Dân Đảng của ông bị khui ra…Dù chỉ bị truy khai, chưa bị xử lý, ông vẫn đầy tâm trạng.
Bố tôi cùng thời với ông Ba ở Thái Nguyên, kể: Hồi đó, kẻ sĩ đi tham gia kháng chiến là thể hiện cả chí khí và nhân cách. Khi đã hết lòng vì chính nghĩa lại bị nghi ngờ đen trắng lập lờ là sự tổn thương rất lớn. Ta nói với ông: Chú cứ khai sự thật, nhà Mai Lĩnh từng đóng góp rất nhiều công của trong những ngày đầu kháng chiến, và hiện đang có các ông Năm, bác Phong, cậu Lợi, các chú Tùng, chú Bách, vân vân…cùng góp máu ở chiến trường... Ông Ba suy ngẫm, rồi nói: Điều này, tôi không nghe anh được…Việc đóng góp cho kháng chiến là tự mình, người ta đã không biết, mình cũng chẳng nên kể công; còn việc nêu tên những người ruột thịt, người ta đã không tin, có khi mình còn làm vạ lây anh em, con cháu.
Chính vì cắn răng chịu một mình, không vượt qua nổi thử thách khắc nghiệt bởi những cực đoan và ấu trĩ của thời thế, ông đã chọn con đường tự sát (được nghi là cố ý uống quá nhiều thuốc ký ninh). Những năm đó, một cán bộ quân đội, Đảng viên Cộng sản tự sát là chuyện tày trời, bắt buộc phải giấu diếm bằng mọi giá. Thế là sự thật cay đắng này, về công khai ở cả đơn vị lẫn gia đình là, thông báo ông mất vì bệnh. Bố tôi nói về cái chết của ông: Muốn một người tính cách khảng khái, quyết liệt như ông Ba phải chịu nhẫn nhục để tiếp tục sống mà nuôi hy vọng mịt mờ là không thực tế. Nếu có điều đáng tiếc, chỉ ở chỗ ông thực sự là người tài năng xuất sắc, luôn hết mình vì dòng tộc và đất nước…Hồi đó, cùng yêu nước, cùng đánh Pháp, chỉ vì vài định kiến khác nhau về quyền lợi và quyền lực chưa có mà thành thù địch và mất oan rất nhiều người tài. Rồi bố tôi nói thêm: Trong cái rủi cũng có cái may, ông đi sớm, không phải chứng kiến cảnh sau kháng chiến chống Pháp thành công là cải cách ruộng đất 1954, hai bà Ba ( vợ ) và cô Sửu, con gái út của ông, cùng bà Tư (mẹ của giáo sư Đỗ Như Lân), ở Xuân Mai, cái nôi của dòng họ Mai Lĩnh, rơi vào cảnh không tấc đất cắm dùi.
* -
Năm 2010, vợ chồng tôi cùng kỹ sư Đỗ Thái Bình (con ông Bảy Mai Lĩnh Hải Phòng Đỗ Như Ngọc) sang Mỹ thăm một loạt các công dân Mai Lĩnh, từng cùng di cư vào Nam năm 1954, rồi cùng di tản sang Mỹ tháng 4 năm 1975, gặp chú Rỵ. Vợ chồng chú ở một ngôi biệt thự khiêm tốn, với đời sống kinh tế, theo mắt tôi là trung bình, ở Colorado, với chế độ hưu trí. Năm con trai gái đều thành đạt và có gia đình riêng. Trước khi gặp chú, tôi nghe Đức (con cô Diệu , sống ở Califonia) kể: Đến nhà chú Rỵ, anh chị sẽ thấy phân nửa tầng trệt là sự phục hiện gian phòng Chánh văn phòng Không lực Việt Nam Cộng hoà, hồi chú đương chức ở Sài Gòn, nguyên mặt tường phía sau bàn giấy là tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn, vẫn treo lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam cộng hoà. Nhưng khi chúng tôi đến, không thấy lá cờ. Không rõ vì có chúng tôi, chú tạm bỏ đi, hay chú đã bỏ từ lâu mà Đức không biết...Tủ sách lớn nhà chú , cũng ở phía sau bàn giấy, xếp đầy sách, chủ yếu là sách tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng tôi bất ngờ khi thấy không ít sách văn học mới xuất bản của các tác giả trong nước như: Thời Xa Vắng của Lê Lựu, Đất Trắng ( tiểu thuyết về cuộc chiến ác liệt ở Củ Chi, Sài Gòn) của Nguyễn Trọng Oánh, Chân Dung và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa, vân vân…hầu hết là sách của các tác giả đang gây tiếng vang thời kỳ đổi mới ở trong nước. Những sách này chú đều nhờ Khang (con trai cô Dậu, em ruột chú ) mua từ Sài Gòn, gửi sang. Tôi hỏi:
Đọc những cuốn này, chú có thích?
Chú tìm đọc, chỉ để biết mạch nhịp đời sống đang nóng nhất và đang phù hợp với đời sống văn học trong nước …Biết đâu mình cũng có thể viết một cái gì đó cho người đọc ở nhà...
Chú vẫn nói với cháu, chú là nhà binh chuyên nghiệp, không làm việc khác?
Thời thế đưa đẩy chú thành nhà binh chuyên nghiệp, nhưng từ hồi học trọ ở nhà cháu, chú vẫn mong mình trở thành nhà văn, điều chú không bao giờ nói với ai. Ước ao làm văn hoá có lẽ từ cái gien của dòng tộc Mai Lĩnh khi vô hình, khi hữu hình, chú tiếp thu từ ba chú và các bác, các chú. Nhưng đến giờ, chú vẫn chưa bắt đầu, vì viết theo kiểu các nhà văn Việt cộng, chú không thể viết được.
Thì chú viết theo lối các nhà văn miền Nam trước 1975. Hiện giờ ở trong nước đã bắt đầu tái bản một số sách của các nhà văn này.
Chú rất thích một số nhà văn miền Nam. Nếu có đủ năng lực và hứng thú, chú đã viết từ hồi còn ở Sài Gòn.
Liệu chú có quá cầu toàn?
Cứ nói thẳng ra là chú đang bế tắc hay đang là kẻ viển vông. Đắn đo và loanh quanh khá lâu, chú mới quyết định nói: Thực ra, chú đã viết một số chương hồi ký, lúc nào tiện, chú sẽ đưa cháu đọc thử…
Theo cháu, chú nên bắt đầu viết về những năm tháng trên đất Mỹ?
Nói một cách công bằng, Mỹ là đất nước có dân chủ và tự do thật sự, nhưng với một người lính Việt Nam Cộng hoà thuộc hàng cao cấp như chú thì sang đây là một nỗi ô nhục. Người Mỹ đã đẩy Việt Nam Cộng hoà vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, rồi bỏ rơi đồng minh vào bi kịch thảm bại…Hận lắm, hận lắm, nhưng biết chạy đi đâu? Ở lại, chắc chắn là bị tù tội trả thù…đành cay đắng chạy theo thằng bồ đã phụ bạc mình…Sang đến Mỹ, một lần nữa lại bị bỏ rơi, phải làm đủ thứ nghề hạ đẳng…, may về sau nhờ một người bạn Mỹ đang là trung tướng, bảo chứng, đời sống mới dần cải thiện…
Chú kể rất kỹ với tôi, mình là một trong hai người chủ chốt trong việc tổ chức các chuyến di tản quân sự khỏi Sài Gòn bằng đường hàng không, từ tháng 4 – 1975, nhưng khi chính chú, người cuối cùng lên máy bay rời Sài Gòn, vào sáng ngày 30 – 4, thì bị người Mỹ không cho lên, vì chỗ ngồi của chú, vị tư lệnh không quân, bạn thân của chú, đã đưa một kẻ khác lên ngồi bằng…USD, khiến chú, phải chạy bộ ra cảng Bạch Đằng, vượt biên bằng đường biển do đường dây của dì Doanh tổ chức.
Chúng tôi ở nhà chú ba ngày với nhiều kỷ niệm đẹp, trừ việc chú né tránh không đưa tôi đọc những chương hồi ký như đã hứa, đồng thời do ở lâu mới biết chú đang giấu chuyện mình bị ung thư dạ dày, thường xuyên phải đeo một chiếc túi chứa dịch tiết trước bụng, để rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, ở Việt Nam tôi nhận tin chú tự sát, chỉ vì không muốn căn bệnh kéo dài khiến mình mất đi dáng vẻ phong lưu vốn có trong mắt mọi người và làm phiền người thân.
Sự ra đi của hai cha con: ông Ba Mai Lĩnh Đỗ Văn Kỳ và con trai Đỗ Văn Ry, đều do tự sát, phải chăng là cùng nguyên nhân và định mệnh?
Tôi không bao giờ quên ngày cuối cùng ở cùng cô chú, để rồi hôm sau, cô chú và em Bé (tên ở nhà của con gái lớn của chú) tiễn chúng tôi ra tận sân bay, chú, người trưởng đại diện của nhà Mai Lĩnh ở hải ngoại, nói chuyện với tôi ở ngoài vườn đầy lá rụng, tại bậc thềm trước ga ra:
Theo cháu, sự nghiệp xuất bản báo chí vẻ vang ngày nào của nhà Mai Lĩnh có thể phục hồi? Thấy tôi ngồi im, chú nói thêm: Chú còn thèm cả cái tình anh em của các ông, dù ở gần hay xa nhau, lúc nào cũng sống vì nhau, vì dòng tộc và thường mong giá như có lại thời ấy, mặc dù càng nhớ, càng thấy nó xa lơ xa lắc.

NMT

Không có nhận xét nào: