Bài viết của Nguyễn Mạnh Tuấn
DÌ DOANH
Đầu năm 1990, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam có
thiện ý, thu gom, phục hồi tư liệu về những nhà xuất bản đầu tiên của Việt Nam,
trong đó, có Nhà Xuất bản Mai Lĩnh (1936) của các ông bên họ ngoại nhà tôi, để
đưa vào Tủ sách Thế giới Văn học. Tại cuốn Nhà Xuất Bản Mai Lĩnh, xuất bản
1992, tôi có tham gia viết bài Mai Lĩnh - dòng chảy của một gia tộc hay phác thảo
của bộ tiểu thuyết, với tâm nguyện sẽ viết được cái gì lớn lao về sự nghiệp của
các ông nhà mình, vì các ông xứng đáng được tôn vinh, nhưng rồi hoàn cảnh khiến
tôi chưa đủ độ chín để viết. Năm 2015, cuốn Nhà Xuất Bản Mai Lĩnh được tái bản,
tôi có bổ sung hai bài về ông Tư (Đỗ Như Phượng) và ông bà Bảy (Đỗ Như Ngọc).
Tôi không ý định viết hết chân dung các thành viên nhà Mai Lĩnh, những người có
công lớn với gia tộc vào sách, nhưng có hai người, nếu không viết được, tôi sẽ
áy náy suốt đời, là ông Ba (Đỗ Văn Kỳ) và dì ruột thứ hai của tôi: Đỗ Thị
Doanh, mặc dầu dì dường như đứng ngoài sự nghiệp xuất bản báo chí của gia tộc.
Ông ngoại tôi (Đỗ Văn Thuật , tức Kiêm), linh hồn
chính của anh em nhà Mai Lĩnh, sau khi cụ ngoại Đỗ Văn Phong bị người Pháp xử
tù khổ sai chung thân, đày tại Guyane, Nam Mỹ, có năm con: mẹ tôi là cả, giáo
sư tiến sĩ dược học Đỗ Tất Lợi thứ hai, cậu Đỗ Hữu Bảo, theo Việt Minh đi Nam
tiến, lấy vợ Bến Tre, hy sinh ở chiến trường Nam bộ năm 1947, thứ ba; thứ tư và
con út là hai dì Đỗ Thị Diệu và Đỗ Thị Doanh.
Mẹ tôi đột ngột mất vì bệnh năm 1948, khi bà mới 32
tuổi, tôi lên 3, em tôi: Nguyễn Thế Vinh, (sau này, định mệnh cũng dẫn dắt theo
nghề xuất bản), lên 1, nên ý niệm về hình ảnh lẫn tình cảm người mẹ trong anh
em tôi rất mù mờ. Khi còn sống, mẹ tôi làm một việc mà phụ nữ ngày nay chưa thấy
ai “học tập”, là lấy vợ lẽ cho bố tôi, để bà được …tự do ở phần hoạt động bên
ngoài gia đình. Mẹ kế tôi là một phụ nữ hiền lành đối xử với các con chồng rất
tốt, nhưng từ trong sâu thẳm, chúng tôi vẫn thiếu hình ảnh người mẹ ruột, có thể
vẫn khi ẩn, khi hiện ở hai dì Diệu và Doanh. Dì Diệu lấy chồng ở Hải Phòng, thỉnh
thoảng mới lên Hà Nội thăm ông bà ngoại, có ghé vào nhà tôi; năm 1954, di cư
vào Nam, là hình ảnh được tôi ghi nhận nhiều nhất, một số phận dường như ít may
mắn về đường tình yêu và hôn nhân, luôn hiện trên đôi mắt đẹp và buồn. Ấn tượng
mạnh nhất với thời thơ ấu của tôi, là dì Doanh, dù đến năm 1953 và 1954, hai lần
dì từ Sài Gòn ra Hà Nội, để vận động và đón ông bà ngoại di cư vào Nam, ồn ào
xuất hiện ở nhà tôi, tôi mới biết mặt dì.
Đạo lý ngàn xưa đã thành nghiêm luật với người đàn
bà Việt: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, vào đầu những
năm 40 thế kỷ trước, vẫn còn nặng lắm, nhưng với dì Doanh, xuất giá theo chồng
(chú Trần Văn Phi), con trai một nhà buôn khá giả tận Sài Gòn, nhưng ưu tiên một
vẫn dành cho bố, mẹ mình: ông bà Mai Lĩnh; ưu tiên hai là anh em, chị em mình –
con cái các ông, bà Mai Lĩnh; thứ ba mới đến các con; còn đức ông chồng và anh
chị em nhà chồng luôn xếp từ thứ tư trở đi. Điều này tôi nghe chú Phi nói, khi
chú từ Mỹ về nước, gặp tôi ở Sài Gòn, còn tôi nói lại, nếu đúng, không phải coi
dì là người thiên vị mà chỉ để xác định dì tôi đã có “tinh thần bất khuất” chống
đối ý thức hệ phong kiến có lẽ từ trong trứng.
Hai năm 1953, 1954, cuộc chiến giữa Việt Minh và thực
dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Hai bên đều dồn toàn lực vào đỉnh điểm
xung đột là chiến trường Điện Biên Phủ, khiến toàn bộ miền Bắc như một lò lửa lớn
với nhiệt lượng các cuộc đấu tranh của các lực lượng ngầm hoặc công khai, các
cuộc tâm lý chiến, càng về sau, càng nóng bỏng. Khi nhìn thấy quân Pháp sẽ
thua, cuộc đấu dần gom về việc lực lượng không theo Việt Minh thì vận động dân
di cư vào Nam, lực lượng theo Việt Minh thì vận động dân ở lại, bên nọ nói xấu
bên kia kèm theo đủ thứ âm mưu, đe dọa, thậm chí, đổ máu , bắt bớ, để dân theo
mình.
Giữa không khí xã hội, chính trị, chiến tranh, cực kỳ
nhạy cảm và bất an, người người tìm cách chạy khỏi các thành phố lớn, thì dì
Doanh, ở tuổi ngoài 30, dám bay ra Hà Nội vận động ông bà ngoại tôi vào Nam. Họ
hàng ngoài Bắc, thấy dì xuất hiện đều kinh ngạc: Sao cô dám gan cóc tía? Chuyến
đầu ra để bàn bạc vận động, dì không đi một mình mà còn dẫn theo hai con gái :
Dung và Hanh. Dung bằng tuổi tôi, năm đó, cùng 9 tuổi, Hanh ít hơn hai tuổi. Hồi
đó, hai đứa em họ lạ hoắc, da dẻ không trắng trẻo như con gái miền Bắc, giọng
miền Nam nghe như nói ngọng, thời gian gặp nhau ít ỏi, nên chẳng kịp làm thân,
nhưng ấn tượng khó quên với chúng tôi là cả Dung lẫn Hanh đều rất dạn dĩ, tự
tin và thoải mải tự nhiên trong tiếp xúc với người lạ, khác hẳn đám con nít miền
Bắc .trong đó có anh em tôi , thường rất rụt rè trước người mới quen.
Dì Doanh vận động cả bố tôi đưa gia đình vào Nam. “
Anh đưa cả nhà theo Việt Minh lên chiến khu rồi cùng bỏ về Hà Nội, khác gì đào
ngũ, nên Việt Minh về, anh không thể thoát tội ”.
Bố tôi nói: “ Ngoài này chỗ nào cũng tai vách mạch rừng,
cô nói năng phải giữ mồm giữ miệng. Tôi từng sống trong Nam bốn, năm năm, nên
nói thật là đất miền Nam không hợp với tính cách của tôi, hơn nữa, các con tôi
đã đông lại đều còn quá nhỏ”.
- Anh đừng có quanh co. Em biết thừa anh vẫn tin cộng
sản.
- Nói như cô là người ta kết tội chống cộng đấy. Thời
buổi thiên hạ đại loạn này, tôi chẳng tin ai ngoài chính mình.
Lịch sử Việt Nam là dòng chảy liên miên chống ngoại
xâm. Hết chống Tàu ngàn năm, đến chống Pháp trăm năm, rồi chống Mỹ hai chục
năm, nhưng nội tình hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ đã lồng vào cuộc chiến
ý thức hệ, một bên là lý tưởng cộng sản và một bên là lý tưởng “cộng hòa”. Cuộc
đấu nâng dần đến mức một mất một còn, lòng căm thù và ý chí cực đoan cùng lên tột
đỉnh: bên này, ai không theo mình bị quy là chống cộng, phản động, Việt gian…;
còn bên kia, ai không theo mình, bị quy là cộng sản … Bi kịch oan nghiệt của rất
nhiều số phận lại rơi vào những người chẳng theo ai. Họ di cư vào Nam hay ở lại
miền Bắc, đơn giản chỉ vì hoàn cảnh gia đình, vì miếng cơm manh áo, vì tình cảm
và hy vọng an thân ở mảnh đất quê hương hoặc ngôi nhà, mảnh vườn tổ tiên để lại,
nên họ cũng hồn nhiên bất mãn với những gì “không phải” của chế độ mới. Thế là
thành địch. Bị đối xử như kẻ địch. Bi kịch ở miền Nam sau năm 1954 cũng không
hơn, với những người bất bình với chế độ mới.
Dì Doanh thuộc số người không theo ai như vậy và
cũng hồn nhiên chửi những ngang trái cả hai chế độ, chẳng biết sợ là gì. Kết quả,
dì vẫn an toàn và hoàn thành xuất sắc việc đưa được bố mẹ, tức ông bà ngoại
tôi, di cư vào Nam. Và 20 năm sau, sáng ngày 30/4/1975, giữa lúc thiên hạ đại
loạn, dì lại hoàn thành xuất sắc việc đưa cả nhà rời khỏi Sài Gòn bằng đường biển,
từ cảng Bạch Đằng.
Cuối năm 1975, khi làm việc ở Cục Báo chí và Xuất bản
Miền Nam, lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn, tôi lần lượt được tiếp xúc với họ
hàng thuộc phần nhà Mai lĩnh di cư vào Nam năm 1954: Ông Mai, bà Ba, bà Năm,
bác Thụ, bác Tiếp, cô Diệu, cô Nguyên, anh Cừ, vân vân…hầu hết đều trong đời sống
kinh tế khiêm tốn và do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vai trò các
thành viên Mai Lĩnh, kể từ ông ngoại tôi lẫn ông Mai, bác Thụ, về toàn diện
không còn phù hợp với thời cuộc đang quá nhiều biến động, đòi hỏi sự thích nghi
cao hơn. Và người duy nhất khá giả trong dòng họ Mai Lĩnh miền Nam là cô Doanh,
chính xác hơn là gia đình cô Doanh, có nhà ở 81 Nguyễn Huệ, khu đất vàng quận
1, đã di tản sang Mỹ. Tôi chỉ gặp hai em Hanh (sinh năm 1947), Hưng (ít tuổi
hơn), còn sót lại, và gặp lại cô trong những tấm hình anboom ở nhà cô Diệu.
Vài năm sau, khi kinh tế cả nước, đặc biệt ở miền
Nam, rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, vì hậu quả tất yếu của một đất nước chiến
tranh ác liệt kéo dài, cùng lệnh cấm vận nghiêm ngặt của Mỹ, nhưng chủ yếu vẫn
là quá nhiều bảo thủ và sai lầm trong đường lối kinh tế, khiến đời sống dân
chúng thiếu thốn toàn diện, từ mọi thứ nhu yếu phẩm, đến lương thực, điện nước,
và đồng tiền liên tục mất giá…Một đất nước, hai đầu nam, bắc là hai vựa lúa lớn,
vậy mà Nhà nước bán gạo cho dân phải kèm bo bo, khoai, sắn…Chính phủ buộc phải
mở cánh cửa kinh tế bằng chính sách “bung ra”, còn nhân dân được phép “tự cứu
mình trước khi trời cứu”, bằng nhiều con đường, trong đó có nguồn hàng đủ loại
lớn nhỏ của bà con Việt kiều, những người di tản năm 1975, còn chưa vững chân ở
nước ngoài, ùn ùn gửi về nước cứu tế cho thân nhân…Những năm đó, người trong nước
vừa hôm qua còn lo sợ phải giấu mình có người nhà vượt biên theo địch, thì hôm
sau lập tức được thay bằng niềm tự hào mình có hàng từ Mỹ gửi về.
Vợ chồng tôi được cô Doanh liên lạc cũng trong thời
điểm này, vừa vì bố tôi, người mà cô Doanh luôn yêu quý, còn sống, đang ở với
chúng tôi, phần vì cô nghĩ địa chỉ nhà tôi ở Sài Gòn thì việc gửi và nhận hàng
về sẽ “thông thoáng” hơn nơi khác. Nhờ vậy, mỗi năm, vài lần, khi có giấy báo
đi lãnh hàng từ cô gửi về, do bưu điện chuyển đến, vợ chồng tôi đều vào kho
hàng của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục nhận hàng. Mỗi lần đi nhận,
nhanh thì mất một buổi; chậm thì mất cả ngày, vì số người đến nhận trong ngày
có lúc tới hàng ngàn. Hải quan Tân Sơn Nhất phải dành cả khu nhà lớn, nguyên là
tổng kho hàng hoá cũ, thành nơi tập kết và giao hàng. Hàng gửi về, dù lớn hay
nhỏ, người nhận đều phải mở tung, kiểm đếm từng món trước mắt nhân viên hải
quan. Chính những ngày “đi thực tế” này, được tận mắt chứng kiến số lượng và
giá trị từng gói hàng gửi về, chủ yếu là thuốc tây lẻ các loại, nhu yếu phẩm, mỹ
phẩm rẻ tiền, vải vụn, quần áo cũ hoặc lỗi mốt, vân vân…sẽ được người nhận
nhanh chóng đẩy ra thị trường, nhiều nhất, may mắn được vài ngàn đô la, ít nhất
thì vài trăm đô la, mà thấy thương cả người nhận lẫn người gửi chắc chắn đang
chưa mấy thuận lợi ở thiên đường Mỹ.
Vợ chồng tôi thường làm nhiệm vụ phân phối số hàng
đó (có lúc là tiền gửi theo người quen Việt kiều về nước) theo thư hoặc lời nhắn
của cô Doanh cho những người có tên trong Nam hoặc ngoài Bắc. Nhiều lần, tôi viết
thư và nói với cô khi cô về nước: Cô đừng gửi tiền và quà nữa vì những lý do
vân vân...
Cô lớn tiếng: Cô có thì cô mới gửi, và gửi cho ai là
việc của cô, đừng can thiệp vào, nghe chửa?
Vào Sài Gòn từ 1942, giọng Bắc đã pha Nam, rồi sang
Mỹ gần bốn chục năm, giọng Việt đã pha Mỹ, mà vẫn không mất cái ngữ điệu “nghe
chửa” của làng Phù Xá, Phúc Yên, của cô, luôn khiến tôi thấy cô như không hề xa
cách.Từ đấy, cô nhắn gửi tiền và gửi quà cho ai, đóng góp cho nhà từ đường Mai
Lĩnh hay ngày giỗ chú, bác nào trong họ, vợ chồng tôi chỉ răm rắp tuân theo. Dần
dần tôi hiểu ra những món tiền, quà , vốn không phải lúc nào cũng dư dả ,của cô
đều từ những khao khát tình nghĩa họ hàng, dòng tộc nhà Mai Lĩnh và với những
ai từng tình nghĩa với nhà Mai Lĩnh, dù trong Nam hay ngoài Bắc, trong nước hay
ngoài nước, cộng sản hay không, sẽ không bao giờ loãng ra, không mất đi theo thời
gian, thời cuộc, khoảng cách. Điều này, khiến nhiều lúc tôi giật mình, khi biết
tuy tuổi đã cao, tuy ở nước ngoài xa xôi, vai trò của cô trong dòng tộc không
còn ưu thế, nhưng quan hệ từ cô với người trong họ còn rộng hơn, thân thiết hơn
là chúng tôi và nhiều người ở nhà, đang sống ngay giữa những người họ hàng, ruột
thịt.
Bà ngoại tôi trước khi lấy ông ngoại tôi có một đời
chồng và con riêng. Chúng tôi biết đến người con này là ông Năm Đần, rồi con
ông Năm là anh Cừ, kế anh Cừ là anh Quân; tiếp theo là những ai, tuy cùng ở miền
Bắc, tôi chỉ biết mù mờ vì chẳng bao giờ gặp nhau, cô Doanh chắc chắn còn xa
hơn, vậy mà từ Mỹ, bất cứ ai trong số con ông Năm bị bệnh nằm bệnh viện, đời sống
khó khăn, đến lứa con cháu những người này ở Phù Xá, Phúc Yên lấy chồng, lấy vợ,
cô đều biết, để nhắn về cho chúng tôi gửi tiền ...
Lần thứ hai về Việt Nam, cô ở nhà tôi, bảo tôi thuê
xe đưa cô về Châu Thành, Bến Tre. Tôi hỏi: Cô muốn thăm ai? Cô nói: Thăm nhà
thông gia vợ chú Bảo ( anh ruột cô cũng là em ruột mẹ tôi). Tôi nói: Chú Bảo hy
sinh từ năm 1947, chưa kịp có con cái. Cô ấy lấy chồng khác từ lâu, giờ đã qua
Mỹ…- Bây giờ ở đấy vẫn còn bố cô ấy và mấy người anh chị em…Xét về mặt thời
gian, đây thật là mối quan hệ đã hơn nửa thế kỷ, nhưng chiều cô, tôi vẫn đưa cô
đi…Trên đường đi, thấy đường xá, làng quê quá nhiều đổi khác, cô có vẻ dao động:
Về đây, có thể chẳng còn ai, nhưng cô vẫn quyết đi, vì cô nghĩ, dù một giọt máu
loãng cũng đừng bao giờ để mất, cháu nghe chửa? Rất may, về đến nơi, ông bố cô
vợ chú Bảo gần trăm tuổi và rất nhiều người vẫn còn sống và nhận ra cô. Mọi người
cùng mừng đến bật khóc vì bất ngờ. Hoá ra hồi còn ở trong nước, dù Bến Tre là
vùng chiến tranh ác liệt, dù vợ chú Bảo đi bước nữa từ lâu, không còn ở quê, cô
vẫn tiếp tục mối thân tình với thông gia, những giọt máu thực ra đã rất loãng.
Những ngày cô ở nhà tôi, những giọt máu loãng và rất
loãng đến với cô rất đông: người giúp việc, người làm từ mấy chục năm qua, người
hợp tác làm ăn buôn bán, và cả những người cô từng là ân nhân, đến nay vẫn còn
nợ nần. Tôi bảo: Giá không đi Mỹ, cứ ở trong nước, cô vẫn giàu có và nhiều người
thân thiết. Cô nói: Cô đã đi rồi thì không bàn lại. Ở Việt Nam bây giờ làm giàu
có chiều dễ hơn ở Mỹ. Nhưng cô sợ tuổi mình cao rồi…
Tôi biết từ lâu, khi có một số Việt kiều trở về nước,
được Nhà nước trả nhà, cô đã nhờ một số người quen, trong đó có cả cậu Đỗ Tất Lợi,
tìm cách lấy lại nhà 81 Nguyễn Huệ, quận 1 và những lô đất ở quận Bình Thạnh,
vân vân… với mọi giấy tờ sở hữu nhà đất còn đầy đủ. Tôi cũng được cô đưa đi xem
những đất đai, nhà cửa trên, nhưng không rõ vì lý do gì, cô không nhờ vợ chồng
tôi. Sau này, tôi hỏi, cô mới nói: Cô không nhờ các cháu vì nghe nói vụ này phải
chạy chọt đút lót rất nhiều cửa, nên nhờ các cháu, tài sản được trả hay không
thì chưa biết, nhưng làm hư các cháu thì mẹ cháu sẽ hiện về tát vào mặt cô,
nghe chửa? Tôi nói: Nếu vậy thì cô đang làm hư cậu Lợi? - Cô nghĩ thế lực cậu Lợi
chẳng phải đút lót ai, nên mới nhờ…
Sau này, trong nước có nhiều chính sách về bất động
sản cởi mở, máu làm giàu nổi lên, cô giấu các con, gửi chúng tôi một số tiền và
nói sẽ còn gửi về tiếp để đủ mua một căn hộ cao cấp trong khu quy hoạch mới ở
trung tâm. Tôi hỏi: Để làm gì? Cô nói: Trước mắt là vì lợi nhuận, sau nữa sẽ
tính tiếp…Từ đó, không thấy cô nói thêm sẽ tính tiếp thế nào.
Năm 2010, vợ chồng tôi sang Mỹ thăm cô, đã trả lại
cô số tiền này vì năm đó, cô đã ngoài 80, sức khoẻ không được tốt, khi ở nhà
Tú, Quyến, khi ở với Thiện, Yên, giấc mơ căn hộ Sài Gòn chắc chắn không thể
thành hiện thực. Cô gạt đi và nói: Các con cất ngay đi và đừng cho em nào bên
này biết. Nhất định cô vẫn sẽ tiếp tục gửi về. Nhớ đừng cho đứa nào biết, nghe
chửa? Chúng nó không muốn cô về, nhưng cứ khoẻ là nhất định cô sẽ về.
Không rõ nói thế là cô muốn về ở hẳn hay chỉ về
chơi? Tuổi tác và bệnh tật khiến người dì suốt đời sống quyết liệt của tôi trở
nên chừng mực, nhưng tôi biết chắc khao khát sống vì sự bền vững của gia đình
và dòng tộc Mai Lĩnh nơi dì không vơi đi chút nào.
NMT.