“Bắt lấy nó! bắt lấy nó !”. Tiếng người nhốn nháo sau tiếng còi của ông Mỹ mù bán lạc rang giữa ngã tư Cầu đất với Cát Dài Hải Phòng làm tôi ngái ngủ thức dậy lúc hai giờ sáng rồi ngó xuống phố. Thì ra ông bán lạc rang mù bị người ta trả ông bằng tiền giả. Ông bị mù từ bé nhưng trời lại cho ông cái mũi thính và đôi tay tuy sần sùi vì vết bỏng khi rang lạc mà vẫn ngửi được cái mùi mồ hôi của đồng tiền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khác với tiền Tưởng Giới Thạch, vẫn cảm được độ mịn khác nhau của hai loại tiền, làm ông vớ lấy cái còi cảnh sát đeo trên cổ và thổi đánh thức cả dãy phố. Người mua hàng lừa dối chạy mất, đám đông năm sáu người bán hàng đêm thăm hỏi ông rồi giải tán. Sư yên tĩnh của đêm ngã tư Cầu Đất lại về. Tiếng rao “Lạc rang phá rang” của ông Mỹ lại đều đều xen lẫn tiếng “ Ai bánh chưng nóng, bánh khoai, bánh dậm, bánh mật” ...”Ai hạt rẻ nóng đây” của nhưng người bán rong lại ru tôi vào giắc ngủ....
...được sáng lập bởi nhà nho Đỗ Văn Phong ,thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân đày biệt xứ tại Guyane Nam Mỹ,sau vượt ngục về nước hoạt động tại Bạc Liêu Nam Bộ !
Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020
NỖI BUỒN
Thời đó năm 1960 trước cải tạo tư sản, tôi ngủ trên gác cửa hàng Mai Lĩnh Cầu đất cùng vói Ba và anh Bình. Ba tôi sau đó làm cái giường ngay sau mấy tủ thuốc để có ai gọi mua giữa đêm thì có thể phục vụ được ngay.
Những lúc ông Lượng nghỉ tôi được thay thế ông ngồi ở bàn thư ký để ghi chép những thuốc nào đã bán cùng giá tiền vào sổ. Người A mua hai viên Aspirin, Người B mua vài ống Philatop hay Nước Cất. Bà C mua vài viên kháng sinh Oreomicyne hay Codentecpin để chữa ho tôi đều ghi vào sổ cẩn thận. Còn Ba tôi ngồi ở bàn chính và ngăn kéo lúc nào cũng đầy tiền bán hàng.
Số là sau khi đi học ở Nguyễn Văn Tố song bọn trẻ con không về nhà ngay. Tôi và thằng Quỳnh (tác giả của Muỗi Sài Gòn chắc Dương và Thọ còn nhớ) và cả lũ lau nhau rủ đi đá bóng ở sân Bonnal. Nhà thằng Quỳnh chắc giàu lắm hay chỉ vì nó chỉ là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ chiều hơn chị và em gái nên lúc nào cũng có tiền trong túi. Cứ mỗi lần sau khi đá bóng nó lại rủ tôi đi ăn bún bò ở quán Hàng Hoa trước triển lãm đầu Sông Lấp. Chắc không đâu có bún bò ngon như vậy rau sống, bún, lạc trộn lẫn vào nhau ngon tới nỗi và tôi phải húp những giọt dấm ớt sau cùng trong tô bún. Khi thì nó rủ tôi đi ăn thịt bò khô của một ông người Tầu với cái nón lá rách, mụn ruồi trên mép phải có cái lông dài. Ông đẩy xe ven bãi đá bóng của chúng tôi, không mời chào, nhưng tiếng kéo khua lách cách lách cách của ông làm bọn trẻ chúng tôi không có tiền thì cũng phải dán mắt vài ba phút nhìn những sợi đu đủ bào trắng xóa và mấy miếng thịt khô đỏ cạnh chai dấm ớt rồi mới về nhà được.
Ba tôi chẳng bao giờ cho chúng tôi tiền để mua bất cứ cái gì từ quần áo, sách vở, và ngay cả tới que kem. Mặc dầu như vậy sách vở lúc nào cũng rất đầy đủ. Bất cứ một sách mới của nhà xuất bản Kim Đồng ra là ông Mẫn (?) làm việc ở Hiệu Sách Nhân Dân cùng phố mang tới. Ba tôi trả tiền và trao cho chị Ninh hay chị Giang. Hoặc nếu chúng tôi phát hiện cuốn sách gì hay ở một cửa hàng nào đó, thông báo cho Ba, là hôm sau có sách đó. Sách nhiều quá nên nhà mở thư viện cho trẻ con. Chi Giang làm mã số cho mỗi quyển sách và cũng là chủ thư viện. Trẻ con ngày nào mượn sách, ngày nào trả đều được ghi xuống rõ ràng. Thư viện cho cả xóm xem chung.
Hồi đó chúng tôi ít được đi xem xi nê, thường là đi xem qua hai vé mời của Cụ Thứ người sở hữu hai rạp chiếu phim lớn và đẹp nhất Hải Phòng đó là rạp Vĩnh Lợi và Li Đô nằm bên trái và bên phải của Nhà Hát Lớn Hải Phòng. Tôi cũng chưa hiểu rõ hai ghế ngồi trên gác đó Ba tôi mua trước hay là Cụ Thứ chỉ để dành riêng để mời tặng những khách hàng trong giới giao lưu buôn bán
Nhà 9 Ngõ Công Bình ba gian chính thì Ba tôi để một gian ngoài làm lớp học. Ông giáo Diệp mũi nhọn hoắt sống trong ngõ trước cửa trường cấp hai Phan Chu Trinh ở Phố Trại Cau được Ba tôi mướn làm gia sư, sau nay hàng xóm gửi thêm trẻ con nhờ ông đạy nên Buồng Số Một trở thành lớp học cho cả xóm. Thày Diệp có đôi giày bata và cái mũ làm bằng li e đánh phấn trắng toát. Thày có thể nghiêm khắc hơn ông gia sư trẻ tuổi Đỗ Tiến Đạt dạy anh chị tôi ở Hàng Hành Hà Nội vì đứa nào không học làm bài cẩn thận thày có thể đánh vào tay hai ba cái. Thế nhưng ai cũng muốn con cái nên người nên vẫn gửi con vào cho thày dạy thêm ở nhà Ngõ Công Bình. Thằng Dê, cái Bê cháu bà Hoan được ông dạy thêm tiếng Pháp vì hy vọng một ngày nào đó có bố bảo lãnh về Pháp. Anh Bình ở Hà Nội thì được đi học nhạc hoc đàn Banjo Alto từ nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của “Ngày Về”, về Hải Phòng ngoài tiếng Nga học ở trường còn được đi học thêm tiếng Pháp, học tốc ký, và đánh máy chữ ở nhà ông Đông Nghiêm ở Phố Trại Cau. Chị Ninh, chị Giang, và cả chị Sửu đi học may ở Nữ Công Nam Bộ trên đường Cát Dài.
Sự quản lý chặt chẽ trong nếp sống hàng ngày như vậy nên ít khi có thì giờ để đánh khăng với bọn thằng Phòng con ông Thành làm nghề kéo các sợi vàng bạc bên canh nhà hay đánh đáo, chơi bi, đánh xèng (nắp chai bia đập bẹp) với thằng Huỳnh và các con ông Ngoạn. Nhưng chỉ nói một câu :” Ba cho con đi họp đội” hay :” Con đi học”. Thì Ba Má tôi cho đi ngay dù đang bận dở dang công việc giúp Ba Má.
Vì vậy tội vẫn về học muộn vì đá bóng.
Đêm qua tôi về muộn lại tiêng còi của ông Mỹ giữa đêm làm tôi dạy muộn hơn hàng ngày. Thường thường Ba tôi đánh thức đúng giờ để ăn sáng cùng với anh chị em ở Ngõ Công Bình ra ăn bánh mỳ với mật ong và uống dầu cá nước đựng trong cái chai thuốc nâu đen. Hôm nay khác hẳn Ba tôi để tôi dạy muộn.
Sau đánh răng rửa mặt và ăn sáng ở tầng dưới, Ba tôi để cửa hàng thuốc cho ông Lương Tôn Lượng, thư ký của Ba trông và gọi tôi lên gác.
“Tối qua con đi họp đội có vui không?”
.....
“ Thế con nhìn vào mắt Ba này”
Tôi vẫn gắm mặt xuống đất
“Sao con không trả lời Ba, hãy nhìn vào mắt Ba này?”
Ba tôi nhắc lại một lần nữa, tôi run run nhìn mắt Ba tôi qua cặp kính cận thị dày cộp và khóc òa lên.
Chắc Ba tôi muốn giải thoát cho tôi ngay.
“Ba đã tới nhà bạn con sau lúc con đi khoảng mười lăm phút. Mẹ Quỳnh bảo thằng Quang đến rủ thằng Quỳnh đi xem phim rồi”.
Số là tôi tới nhà Quỳnh lại đi ngang qua rạp Cathay (nay là Lê Văn Tám) trước cửa trường Ngô Quyền, kỳ này có phim MỘT ĐÒN CHẾT BẢY. Tôi đã được đọc truyện này qua tập truyện cổ tích của anh em Grimms mà Ba tôi đã mua cho, nhưng biển quảng cáo vẽ anh thợ may đang trên cây và ném dưa hấu trúng vào sừng của con ngựa một sừng (unicorn) trông hấp dẫn quá. Tôi muốn đi xem và cũng là trả ơn Quỳnh vì những bát bún bò, những đĩa thịt bò khô say khi đá bóng.
8 giờ tối, khi cửa hàng đã vãn khách hàng mua thuốc. Tôi xin phép Ba tôi đi họp đội với 4 hào đã lấy trộm trong ngăn kéo của Ba tôi hồi Ba đi ăn trưa để mua hai vé hạng bét mời bạn.
Tôi khóc và hứa với Ba là sẽ không bao giờ nói dối Ba.
Lời hứa đó tôi đã không giữ được đó là vào chiều tối 30 tháng năm 1979 sau bữa canh cá rô nấu cải tôi khoác cái ba lô phồng cứng foam và vài lon sữa đăc để chuẩn bị đến Bến Sông Tam Bạc. Má tôi khuyên tôi vào chào Ba và cho phép một lời nói dối khi Ba tôi đang ngồi trên ghế tràng kỷ ở Buồng Số Ba đọc báo sau ăn tối.
Đường phố Hải Phòng tắt ngấm ánh đèn, chỉ nghe được tiếng ầm ầm và loáng thoáng qua ánh đèn xe thấy những chiếc tải hạng nặng chở những xe tăng mới tinh sản xuất từ Minsk Liên Xô từ bãi đá bóng Bonnal ra Ga Hải Phòng để chạy lên phương Bắc.
....
Ước mong của Ba tôi rất đơn giản là các con được học hành tới nơi tới chốn, cả đời Ba Má tôi là kiếm ăn và dạy dỗ con cái. Còn ước mơ riêng cho chính ông sau cải tạo tư sản là một bát rau muống đầy để ăn trước khi ăn cơm mong tránh được táo bón, một mẩu bánh mỳ và một chai nước trong túi dết.
Cứ như thế hàng ngày Ông Dò Mìn, tên của lũ trẻ con trong xóm đặt tên cho ông, đầu đội mũ bê rê, vai đeo túi dết, mắt kém tay khua cái gậy từ Ngõ Công Bình ra cửa hàng thuốc Ngô Quyền (thuốc Mai Lĩnh bị đổi tên) để làm việc, trên gác là là ông Khiêm người cải tạo ông sống.
Chắc có lần ông Khiêm hỏi Chị Sửu nhưng không thành nên về quê Thái Bình cưới vợ. Chỉ vài ngay sau ra Hải Phòng vợ ông thành thị hóa băng mái tóc phi dê ngắn tới tai. Sau đó ông cho vợ ông mở cửa hàng mũ dưới chân cầu thang lên gác, lúc đầu bé lắm, nhưng sau to dần ra chiếm hết tầng dưới chỗ nấu và rửa. Ảnh chụp dưới là năm 2012, giờ đây cửa hàng chắc to hơn cửa hàng thuốc Mai Lĩnh ngày xưa nơi ông sợ ông Mai Lĩnh là mầm mống của giai cấp tư sản người bóc lột người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét